Đọc sách: Những cuộc trốn chạy triền miên

Cuốn tiểu thuyết thấm thía bậc nhất về thân phận người lưu vong.

Erich Maria Remarque là người viết hay bậc nhất về ba đề tài: chiến tranh (Phía Tây không có gì lạ), cuộc sống hậu chiến (Ba người bạn, Bia mộ đen), người lưu vong (Khải hoàn môn, Bản du ca cuối cùng). Trong số đó, Bản du ca cuối cùng là cuốn tiểu thuyết hàng đầu về cuộc sống của những người bị xua đuổi trên cõi nhân gian.

Đọc sách: Những cuộc trốn chạy triền miên -0

Họ là người Đức, nhưng bị chính quyền phát xít đàn áp đến mức phải bỏ chạy khỏi quê hương. Câu chuyện xảy ra năm 1935, khi chủ nghĩa phát xít bắt đầu đe dọa châu Âu. Những người không quê hương phải chạy sang nước Áo, sang Tiệp Khắc, Pháp, Hungary, Thụy Sĩ… Nơi nào họ cũng là dân tỵ nạn bất hợp pháp, bị bắt là bị dẫn ra ngay biên giới, đẩy trả lại bên kia. Áo trả sang Tiệp, Tiệp trả lại Áo, Pháp, Hung… Cứ bị bắt và bị dẫn giải ra biên giới liên tục như thế, “Chúng tôi có thể bay qua mười biên giới trong một ngày” (trang 202). Đến mức cảnh sát và hải quan áp giải hỏi tại sao họ thuộc đường ra biên giới thế thì được trả lời: “Biên giới là quê hương của chúng tôi” (trang 194). Bởi đúng là họ không còn quê hương nữa, chỉ vì cái tội là người gốc Do Thái hoặc người Đức hoạt động chính trị.

Chạy hoài chạy mãi, phần nhiều là chấp nhận và mải miết chạy. Bị bắt nhiều đến mức nửa đêm được phép tạm trú trong phòng trọ, nghe người cùng phòng mơ ngủ la hét là chồm dậy, xách va li chạy trốn, tưởng đang bị vây bắt. Ước mơ duy nhất của họ là có được một cái giấy thông hành, tức là được tạm trú: “- Một người không có thông hành như bị một bản án tử hình treo. Nếu không chịu đựng nổi chỉ còn tự sát. - Có giấy thông hành cũng chưa chắc là sẽ được phép làm việc ở nước ngoài. - Dĩ nhiên là không. Nhưng ít ra nhờ đó mà mình được quyền chết đói một cách bình yên. Khỏi phải lúc nào cũng nơm nớp sợ” (trang 26).

Nhưng cũng có người phải chạy mãi cũng mệt mỏi, không chịu nổi mùa đông khắc nghiệt, đành giả vờ vào ăn cắp trong một cửa hiệu để “được” cảnh sát bắt, “được” đi tù, ở tù mấy tháng mùa đông cho “ổn định”.

Trong kiệt quệ cùng quẫn cũng nhiều lúc ấm áp nhờ tình người. Ông già Do Thái bị bắt, trên đường giải về đồn, ông nhảy ra khỏi ô tô và rơi xuống đường, chết. Steiner là người cùng bị bắt, dù không quen biết, nhưng về sau đã đi tìm ba đứa con nhỏ của ông để trao lại va li và giúp đỡ chúng.

Một người đồng hương không quen biết trong quán ăn, cảm động trước mối tình của đôi trẻ tỵ nạn, bèn chủ động tặng cho họ một bữa ăn thịnh soạn. Khi mấy người ở trọ bị bắt, bà chủ trọ mời mỗi người một ly rượu, cả bánh mỳ thịt, trước khi họ bị giải đi. Tình yêu của đôi trẻ tỵ nạn cũng nhen lên khi họ cùng giúp một người đàn bà sinh nở trong phòng trọ. Cô gái tên là Ruth thì nhận lời sang ngồi chuyện trò với một người đàn bà bị liệt giường, trong khi chồng bà ta phải đi khắp thành phố để tìm việc làm. Người đàn bà nằm tại chỗ này mặc cảm nói với chồng: “Không ai có thể yêu một người đàn bà bệnh” thì người chồng nói: “Phải yêu gấp đôi chứ. Bởi vì đó vừa là một người đàn bà, vừa là một đứa bé” (trang 300).

Những người thực thi pháp luật ở các nước, không phải ai cũng máy móc. Hải quan và cảnh sát áp giải, làm việc theo đúng phận sự, nhưng phần nhiều là lịch sự với người tỵ nạn. Có viên giám thị giúp chuyển tin tức từ bên ngoài vào trong nhà giam. Có viên cảnh binh thông cảm với hoàn cảnh éo le, tạo điều kiện cho họ chạy trốn. Có viên chánh án cố giúp đỡ để người bị bắt không bị chuyển từ tạm giam sang án tù. Có bác sĩ chữa bệnh mà không lấy tiền, còn giúp cho đôi trẻ có được tiền của tổ chức từ thiện.

Cũng tất nhiên, người di cư gặp phải không ít kẻ lợi dụng tình trạng bất hợp pháp của họ. Vợ chồng mụ nọ, gọi người bán dạo vào giả vờ mua nước hoa rồi giả vờ là cảnh sát, để cướp không món hàng. Một kẻ giả vờ làm người di cư, xin ngủ nhờ trong phòng trọ của người cùng cảnh ngộ, rồi ăn cắp tiền bỏ trốn. Cùng chạy trốn ở biên giới, Kern chỉ cho một người đàn bà chỗ nấp. Nhưng khi bà ta bị bắt, bà ta tố giác với hải quan rằng Kern đang nấp ở trên cây. Chồng bà ta chỉ biết nói như xin lỗi: “Khi quá sợ, người ta dễ thành điên” (trang 146).

Một trong vài nhân vật chính là Kern, chàng trai mới hăm mốt tuổi, nhưng cuộc sống chạy trốn đã biến anh thành người già dặn. Khi gặp lại ông giáo sư cũ trên đất lạ, Kern đã phổ biến cho giáo sư kinh nghiệm: nên đi bán rong những thứ hàng nhỏ thiết yếu, chứ không bán dạo máy hút bụi là thứ thời buổi nhiễu nhương không có ai mua. Anh đã trở nên trưởng thành hơn những người cùng chạy trốn khi thấy họ ngây thơ tin vào lòng tốt của hải quan. Cuốn tiểu thuyết có thêm nét trong trẻo khi chạm đến mối tình của Kern và Ruth, cô gái tỵ nạn tình cờ gặp trong cảnh chạy trốn. Cùng biết san sẻ và cảm thông với người đồng hương, đôi trẻ này nhiều lần bị chia cách khi người bị đi tù, người vào bệnh viện. Họ chạy từ Áo sang Tiệp, sang Pháp, sang Thụy Sĩ, mà vẫn nhờ lòng tốt của mọi người, và của chính mình, để đi tới một kết cục tốt đẹp.

Steiner, một người đàn ông ở tuổi bốn mươi, bị săn đuổi vì hoạt động chính trị là nhân vật ở trung tâm, khiến cho cuốn tiểu thuyết đầy tràn cảm xúc và sự thấu hiểu. Cùng chạy trốn, ngồi trong rừng biên giới, trước lúc mỗi người đi một ngả, Steiner vét túi cho Kern mấy đồng bạc. Từ không quen biết mà thành gắn bó và có trách nhiệm với nhau. Steiner là chỗ dựa, là kho kinh nghiệm, giúp cho đôi trẻ Kern và Ruth vượt thoát nhà tù và tình cảnh bị săn đuổi. Đây cũng là mẫu người nghĩa hiệp một cách tự nhiên. Anh tìm bằng được tên cảnh sát đã đánh người tỵ nạn để đánh cho nó một trận tơi bời. Anh cũng mò ra chỗ ở của tên người Đức ra nước ngoài chỉ điểm cho cảnh sát bắt Kern, rồi anh đến tận nơi để trừng phạt nó bằng một tình huống khiến người đọc hả hê.

Vợ Steiner không bị kết án, vẫn được ở lại nước Đức. Anh đã viết thư bảo vợ ly dị để khỏi bị chính quyền phát xít trả thù, nhưng người vợ không nghe theo. Ở cuối sách, được tin người vợ bị bệnh nan y đang hấp hối, Steiner quyết định quay về Đức nhìn mặt vợ lần cuối, dù biết như vậy là tự đem thân vào hang cọp. Đây là nhân vật được yêu mến nhất trong cuốn tiểu thuyết, cho nên quyết định của Steiner làm cho người đọc bàng hoàng và thương xót.

Cùng với Khải hoàn môn, Erich Maria Remarque đã viết nên Bản du ca cuối cùng, đây là hai cuốn tiểu thuyết thấm thía bậc nhất về thân phận người lưu vong.

Hồ Anh Thái

_______

* Bản du ca cuối cùng, tiểu thuyết của Erich Maria Remarque, Vũ Kim Thư dịch, Đông A và NXB Văn học tái bản 2022.

Văn hóa - Thể thao

Việc ra mắt các sản phẩm chất lượng sẽ góp phần đưa du lịch tàu biển Việt Nam phát triển
Du lịch - Thể thao

Du lịch tàu biển cần chiến lược tổng thể để bứt phá

Liên tiếp các siêu du thuyền quốc tế cập cảng Việt Nam những tháng đầu năm cho thấy tiềm năng phát triển của du lịch tàu biển. Theo các doanh nghiệp, cần có chiến lược tổng thể để thúc đẩy du lịch tàu biển bứt phá hơn nữa, trong đó tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ và chính sách thu hút khách.

Từ bếp lửa truyền thống đến bàn ăn hiện đại
Văn hóa - Thể thao

Từ bếp lửa truyền thống đến bàn ăn hiện đại

Những món ăn nổi tiếng không chỉ gợi nhớ về một Hà Nội đầy hoài niệm, mà còn chứa đựng giá trị to lớn trong nhịp sống hiện đại. Cùng với việc lưu giữ những công thức gia truyền quý báu qua nhiều thế hệ, người Hà Nội đang nỗ lực sáng tạo để đưa ẩm thực Thủ đô vươn tầm quốc tế.

Du khách trải nghiệm ứng dụng tìm kiếm và đặt phòng khách sạn tại các điểm du lịch
Du lịch - Thể thao

Thúc đẩy doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ

Nhằm tạo cơ hội để doanh nghiệp du lịch tiếp cận và ứng dụng công nghệ, tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam tại Hà Nội - VITM Hà Nội 2025 sẽ có gian hàng giới thiệu các ứng dụng tiêu biểu của trí tuệ nhân tạo (AI), robot trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn và dịch vụ du lịch.

Gắn kết nghệ sĩ và công chúng
Văn hóa - Thể thao

Gắn kết nghệ sĩ và công chúng

Trong bối cảnh nghệ thuật đang chuyển mình qua những mô hình kết nối trên toàn thế giới, các hoạt động nhằm tăng cường không gian thử nghiệm, trải nghiệm, giao lưu, tương tác nghệ sĩ - công chúng trở thành nhịp cầu quan trọng, kéo gần khoảng cách giữa nghệ thuật với đời sống…

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội thu hút nhiều doanh nghiệp tư nhân
Văn hóa - Thể thao

Để kinh tế tư nhân trở thành đòn bẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu được định hướng và hỗ trợ từ Nhà nước, kinh tế tư nhân sẽ là động lực thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, tích cực tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại...

Năm 2025, Ban tổ chức Lễ hội bánh dân gian Nam bộ sẽ thực hiện đổ chiếc bánh xèo siêu to khổng lồ để du khách thưởng thức miễn phí
Văn hóa

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2025 sẽ có 231 gian hàng

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 12 -  năm 2025, Ban tổ chức sẽ thực hiện 2 chiếc bánh khổng lồ để du khách thưởng thức miễn phí; đồng thời hướng dẫn khách làm các loại bánh dân gian Nam Bộ.

Xem miễn phí Tuần lễ phim Iran tại Hà Nội
Văn hóa - Thể thao

Xem miễn phí Tuần lễ phim Iran tại Hà Nội

Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 - 15.4, Tuần lễ phim Iran do Đại sứ quán Iran tại Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, mang đến những phim nổi bật nhất của điện ảnh xứ Ba Tư, được sản xuất từ năm 2023 - 2025.