Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã giảm
Theo Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 6.2023 ghi nhận 7.098 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đây là mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong tháng 6, cả nước có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 138.746 tỷ đồng, tăng 4,8% về số doanh nghiệp và tăng 14,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 103.887 người, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 6 tháng đầu năm, có hơn 113.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường, bình quân mỗi tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Ở chiều ngược lại, khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân 16.600 doanh nghiệp/tháng. Con số này đã giảm so với mức bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng của giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 (17.600 doanh nghiệp) và giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023 (hơn 19.000 doanh nghiệp).
“Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp phải nhiều khó khăn”, Cục Đăng ký kinh doanh đánh giá.
Dù vậy, nhìn chung, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về vốn.
Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục có xu hướng giảm (giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018 - 2022).
Cụ thể, tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt mức 707.457 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 75 - 80% tổng số vốn đăng ký cùng kỳ trong các năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (năm 2021 con số này là 942.648 tỷ đồng và năm 2022 là 882.122 tỷ đồng).
Tính bình quân, số vốn đăng ký trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017. Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động cũng giảm tới 48,1% so với cùng kỳ.
Thêm vào đó, khó khăn về đơn hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xác nhận: Hiện, nhiều doanh nghiệp chỉ cần có đơn hàng để mong cầm cự, thay vì lựa chọn đơn hàng như trước kia.
Sự khó khăn của doanh nghiệp cũng được phản ánh rõ nét trong tăng trưởng tín dụng. Mặc dù mặt bằng lãi suất đã được giảm tương đối khi chỉ trong vòng 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2/năm song tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, đến 15.6.2023 chỉ tăng 3,36% so với năm 2022, chưa bằng 1/4 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm (khoảng 14 - 15%).
Tìm cách khơi thông đầu ra cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng. Tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua, Quốc hội đã tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng một số mặt hàng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, Quốc hội cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để kịp thời bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế, đồng thời, cho phép linh hoạt điều hòa vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân đầu tư công…
Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Trương Văn Cẩm đề nghị, cần đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành, đồng thời xem xét khởi động lại các gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau Covid-19, nhất là các gói chưa sử dụng hết như hỗ trợ lãi suất 2%...
“Chính phủ nên xem xét cho phép doanh nghiệp được vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động. Với quỹ Công đoàn hiện có kết dư nên để lại cho công đoàn cơ sở của doanh nghiệp để chăm lo trực tiếp cho người lao động; đồng thời có chính sách hỗ trợ giãn, hoãn đóng quỹ hưu trí, tử tuất để doanh nghiệp có nguồn lực vượt qua khó khăn”, ông Cẩm nêu ý kiến.
Còn theo Cục Đăng ký kinh doanh, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ. Khi có thêm những giải pháp thúc đẩy đầu ra thì doanh nghiệp mới cải thiện được khả năng trả nợ, tăng khả năng hấp thụ vốn.