Sự kiện nhằm góp phần phục hồi ngành du lịch sau đại dịch. Để thu hút du khách, các công ty lữ hành đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng để kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ 2.9 sắp tới.
Nhộn nhịp “combo” du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch TP. HCM sôi động với những tín hiệu mừng về lượng khách, công suất tour... tạo sức bật cho các doanh nghiệp du lịch phục hồi trở lại sau thời gian dài "đóng băng" bởi dịch Covid-19. Những ngày này, trên mạng xã hội Zalo, Facebook, nhiều doanh nghiệp du lịch liên tục chào mời các combo du lịch - nghỉ dưỡng giá rẻ.
Chị Hoài An, nhà ở quận 1 cho biết hiện tại rất nhiều combo du lịch nhân dịp lễ 2.9 hấp dẫn đi từ TP. Hồ Chí Minh đến Phú Quốc 3 ngày 2 đêm có giá khoảng 6,4 triệu đồng; combo du lịch đi Sapa 3 ngày 2 đêm, ở khách sạn 3 sao có giá 6 triệu đồng; du khách đi Côn Đảo 3 ngày 2 đêm có giá gần 9 triệu đồng, ở khách sạn 3 sao. Trong khi đó, mẹ chị bà Nguyễn Ninh lại được nhân viên tư vấn du lịch mời gọi mua combo giá rẻ từ TP. Hồ Chí Minh đi Quy Nhơn giá 4,2 triệu đồng cho 3 ngày 2 đêm, TP. Hồ Chí Minh đi Phan Thiết 2 ngày 1 đêm chỉ có 1,7 triệu đồng ở khách sạn 5 sao; combo đi 3 tỉnh miền Tây 2 ngày 2 đêm giá 1,9 triệu đồng…
BenThanh Tourist, một hãng lữ hành lâu năm của TP đã thu hút du khách khá bằng gói combo khá thú vị giá 2.100.000 đồng/khách, bao gồm nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại resort 5 sao “Risemount Premier” Đà Nẵng và vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội – Đà Nẵng hoặc TP. Hồ Chí Minh – Đà Nẵng của hãng Vietjet Air. Bên cạnh đó là gói combo với giá 2.990.000 đồng/khách, bao gồm nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại resort 5 sao “Hyatt Regency Da Nang Resort & Spa” và vé máy bay khứ hồi.
Trong khi đó, Mai Linh Tourism lại tung combo với giá mềm hơn 899.000 đồng/khách bao gồm nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại một resort 5 sao ở Đà Nẵng gần ngay biển Mỹ Khê tuyệt đẹp; xe đưa đón 2 chiều sân bay - khách sạn. Đặc biệt du khách còn được tặng thêm các voucher: giảm 45% vé du thuyền tàu rồng sông Hàn, giảm 20% suất ăn cơm niêu tại nhà hàng, giảm 10% buffet tại nhà hàng Hawaii Buffet, đồng thời tiếp tục được miễn phí vé tham quan các khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố như Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng.
Nhằm hút khách tới tham quan dự án bất động sản Hồ Tràm, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Bình Châu, là nơi sở hữu nguồn khoáng nóng tự nhiên duy nhất ở khu vực phía Nam, lại tung combo giá chỉ 3 triệu đồng/người bao gồm cả nghỉ khách sạn 5 sao, xe đưa đón từ TP. HCM trong 3 ngày 2 đêm.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành và nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc cũng bắt tay nhau phát triển các sản phẩm bay - nghỉ, nhằm khai thác tối đa lợi thế của mỗi bên. Ví như combo bay-nghỉ tại “SOL by Melisa Phú Quốc” là một gói sản phẩm không thể bỏ qua khi đến hòn đảo du lịch xinh đẹp này. Hoặc gói combo nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại Radisson Blu Resort Phú Quốc cũng khá hút khách để tìm hiểu bất động sản tại khu bãi Dài, xã Gành Dầu, TP Phú Quốc.
Chỉ số phục hồi thị trường khả quan
Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch đã dần phục hồi, thống kê có gần 70% doanh nghiệp đã quay trở lại thị trường. Hàng tháng có khoảng 20 doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành. Riêng trong tháng 5 và 6/2022 không có doanh nghiệp rút giấy phép.
Sau đại dịch, kể từ khi mở cửa du lịch vào giữa tháng 3, khách du lịch quốc tế đến tham quan Việt Nam đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. TP đã tiếp đón khoảng 478 nghìn lượt khách quốc tế và 11 triệu lượt khách nội địa.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, chỉ số hồi phục thị trường trong nửa đầu năm được đánh giá rất khả quan. 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp du lịch đạt tổng doanh thu gần 80 tỷ đồng, đón hơn 12.000 lượt khách, trong đó hơn 10.000 lượt khách du lịch trong nước.
Đại diện Sở Du lịch TP. HCM nhận xét: “Tính liên kết trong hoạt động kinh doanh, cũng như trong công tác quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và các doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng đã được nâng lên, qua đó nâng cao chất lượng, đầu tư xây dựng sản phẩm mới góp phần định vị du lịch TP. HCM trong dịp hè 2022 và những năm tiếp theo”.
Đánh giá về tính liên kết và khả năng sinh lời từ việc các hãng lữ hành và doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng bắt tay nhau, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng nên tận dụng lợi thế của chủ đầu tư và lợi thế của công ty lữ hành. Đây là cơ hội tạo ra cấu trúc, cơ cấu sản phẩm bất động sản hợp lý. Sự kết hợp nói trên sẽ vừa tiết kiệm chi phí cho khách hàng, vừa đảm bảo lợi nhuận cho chủ dự án và nhà đầu tư thứ cấp, và công ty du lịch.
Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa, nếu một doanh nghiệp làm được cả lữ hành, cả phát triển dự án chuyên nghiệp thì có thể tạo ra giá trị như mong đợi cho khách hàng, do đó sẽ luôn thu hút lượng khách hàng ổn định và tăng trưởng mạnh, tỷ lệ lấp đầy phòng cao sẽ nhanh bán được sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất để sinh lời cho chủ dự án bất động sản du lịch.
Còn theo tiến sĩ kinh tế Lê Minh Hòa, chuyên gia kinh tế thì, để phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần học cách quản lý vận hành chuyên nghiệp và tốt nhất nên tự vận hành bằng cách tạo ra các công ty thành viên hoạt động lữ hành nhằm chủ động nguồn khách phù hợp với chính dự án của doanh nghiệp. “Trong trường hợp là các tập đoàn lớn, với những dự án quy mô lớn, việc thành lập công ty chuyên biệt về quản lý, lữ hành càng trở nên cần thiết. Việc kết hợp với nhau sẽ tạo ra những giá trị thực cho dự án. Tuy nhiên, cần làm một cách bài bản, chuyên nghiệp để vừa khai thác tối đa, tiết kiệm chi phí và tạo ra uy tín cho dự án bất động sản du lịch, chứ không phải bán dự án là xong, nhằm tạo hiệu quả bền vững cho dự án”, ông Hòa cho biết.