Doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm phòng ngừa
Điển hình lừa đảo trong thương mại quốc tế đối với doanh nghiệp Việt Nam gần đây là vụ việc 76 container hạt điều của 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Italia bị mất bộ chứng từ gốc. Các chuyên gia nhận định đây là vụ lừa đảo quy mô lớn vì chưa bao giờ doanh nghiệp trong nước bị lừa nhiều như thế. Ngoài 5 doanh nghiệp bị lừa xuất khẩu 76 container hạt điều hồi đầu năm, còn có 2 công ty trong nước khác đã ký hợp đồng nhưng chưa chuyển hàng vì được ngăn chặn kịp thời.
Ban đầu, các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu lô hàng hạt điều thông qua một công ty môi giới, sau khi hàng đã xuất đi, các doanh nghiệp này mới bắt đầu phát hiện số container đã bị mất kiểm soát và có dấu hiệu bị người mua lừa đảo khi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam lại bị gửi đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Kiểm tra thấy hàng đã đến Italia, dù chưa nhận được tiền nhưng bằng một cách nào đó, người mua đã lấy được toàn bộ chứng từ gốc của số hàng hóa nêu trên nhưng chưa thanh toán tiền hàng. Với sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng cùng nước sở tại, từ nguy cơ mất trắng hàng chục container với giá trị hàng trăm tỷ đồng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã may mắn không mất một container nào dù bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 40 bộ chứng từ gốc của gần 40 container.
Phân tích nguyên nhân, có thể thấy vì đã có thời gian làm việc với nhau lâu dài nên 5 doanh nghiệp bị lừa đảo nói trên quá tin vào công ty môi giới, dẫn đến không kiểm tra kỹ lưỡng thông tin đối tác. Kết quả điều tra cho thấy, đối tác nhập khẩu của 5 doanh nghiệp trong nước là những công ty đăng ký kinh doanh ở địa phương, rất nhỏ, không hoạt động, chỉ có 1-2 người làm việc. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng đi khan hiếm nên khi nhận được đơn hàng, các doanh nghiệp vì quá vui mừng mà sinh… chủ quan, không muốn tuột mất “cơ hội”, huy động nhân công làm việc với mức lương gấp đôi để kịp giao hàng.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu, hàng năm, các doanh nghiệp thiệt hại khoảng 5% doanh thu vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, thống kê toàn cầu, tỷ lệ doanh nghiệp là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong năm 2018 là 49%; năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%. Trong đó, tội phạm lừa đảo từ bên ngoài chiếm khoảng 43%; từ nội bộ 31%; thông đồng giữa trong và ngoài chiếm 26%...
Kết quả thống kê cho thấy, thiệt hại qua mỗi vụ lừa đảo là không nhỏ. Việt Nam hiện nay đang có thế mạnh về xuất nhập khẩu với tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Chính vì “sân chơi” mở rộng đồng nghĩa với rủi ro đi kèm các tranh chấp thương mại sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Do đó, yêu cầu cấp thiết là phải nhanh chóng thay đổi các phương thức giao dịch, đặt ra các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa xung đột trong thương mại quốc tế.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, ngừa và đối phó với lừa đảo và các tranh chấp rất dễ xảy ra. Nhiều doanh nghiệp chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của từng nước, lạ lẫm với đối tác cho đến hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp. Nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến như trọng tài thương mại, hoà giải thương mại, còn ít sử dụng luật sư thường xuyên...
Áp dụng hiệu quả các phương thức phòng ngừa rủi ro
Trong các hoạt động thương mại quốc tế, không ít doanh nghiệp gặp rủi ro do quá tin tưởng vào người môi giới nên các doanh nghiệp có trạng thái lơ là; không kiểm tra kỹ thông tin, năng lực của đối tác; sử dụng hợp đồng do môi giới soạn thảo rất đơn giản nên thường thiếu nhiều điều khoản quan trọng. Hình thức thanh toán chưa phù hợp cũng là yếu tố nguy hiểm, tạo cơ hội cho đối tác nước ngoài cài cắm những điều khoản hợp đồng bất lợi mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm để phát hiện ra.
Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội Nguyễn Công Cường cho biết, dự báo thời gian tới, rủi ro trong thương mại quốc tế sẽ vẫn tiếp tục gia tăng.Để chuẩn bị ứng phó, các doanh nghiệp Việt Nam cần hoàn thiện mình; chuẩn bị nhân lực, bộ máy, hệ thống quản trị rủi ro tốt; sử dụng thường xuyên hơn những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại. Phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp tại các thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tham khảo một số phương thức phòng ngừa rủi ro khác bao gồm mua bảo hiểm thanh toán; sử dụng dịch vụ giám định của bên thứ ba; sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các công ty luật; nâng cao vốn ngoại ngữ vì tiếng Anh chính là công cụ để Việt Nam hội nhập và tiến gần hơn đến thế giới.
Đặc biệt, để hợp tác tốt trong thương mại quốc tế, doanh nghiệp đi sau cần chủ động học hỏi, rút kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đi trước. Các tổ chức hội chính là kênh hỗ trợ doanh nghiệp, hội viên nắm được những điều nên làm; những thứ cần tránh; những nơi, những ai cần cẩn trọng khi giao kết hợp đồng, từ đó giảm thiểu các rủi ro khi tranh chấp, ông Cường nói.