Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Phạm Ngọc Ẩn cho biết, thời gian qua, các chính sách, dự án hỗ trợ công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người dân tộc thiểu số và người dân vùng khó khăn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giai đoạn 2012 - 2015 đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2018 không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do năm 2015 là năm đầu tiên áp dụng các chỉ tiêu nghèo đa chiều nên điều tra viên xác định một số chỉ tiêu đánh giá còn thiếu chính xác và còn để sót đối tượng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc |
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018 của huyện Tuy Đức cũng gặp một số hạn chế như một số chính sách hỗ trợ còn triển khai chậm và dàn trải; nội dung hỗ trợ còn nặng về hỗ trợ trực tiếp, chưa có chính sách đặc thù theo từng nhóm đối tượng nhằm khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế gắn trách nhiệm của người hưởng lợi; nội dung hỗ trợ của một số chính sách có sự trùng lặp đối tượng nên gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương; chính sách đối với hộ cận nghèo, mới thoát nghèo chưa nhiều, chưa tạo sự đột phá trong thoát nghèo bền vững; việc lồng ghép giữa các nguồn vốn chưa chủ động, còn gặp nhiều khó khăn...
Các thành viên Đoàn giám sát đã yêu cầu địa phương phân tích rõ hơn nguyên nhân tái nghèo; làm rõ những vướng mắc, khó khăn về mặt chính sách, pháp luật chi phối kết quả giảm nghèo của địa phương.
Trả lời các vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức cho biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng tái nghèo chủ yếu do nguồn kinh phí của cấp trên phân bổ hàng năm cho một số chính sách giảm nghèo chưa kịp thời; chính sách giảm nghèo tuy nhiều nhưng còn nhỏ lẻ, dàn trải bình quân, chưa có sự tập trung đầu tư nhằm bảo đảm thoát nghèo bền vững theo từng nhóm đối tượng. Mặt khác, việc ban hành các văn bản hướng dẫn của các cấp, các ngành về thực hiện chính sách còn chậm, có văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, một số chính sách có sự điều chỉnh về đối tượng và định mức hỗ trợ cũng gây khó khăn cho địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện tại cơ sở...
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức kiến nghị, Trung ương quan tâm bố trí kịp thời kinh phí để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình ngay từ đầu năm, nhằm bảo đảm kịp tiến độ, phù hợp với thời vụ sản xuất. Đồng thời, tích hợp chính sách thành một số chính sách cơ bản đầu tư về các lĩnh vực như: Giao thông, trường học, thủy lợi, điện; phát triển sản xuất, ưu tiên đầu tư theo nhóm hộ và bảo đảm đủ nguồn lực hỗ trợ cho nhóm hộ thoát nghèo bền vững...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến đánh giá cao nỗ lực của huyện Tuy Đức trong triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao cho thấy chất lượng giảm nghèo trên địa bàn huyện chưa bền vững. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, địa phương cần có chính sách đột phá về giảm nghèo trên địa bàn huyện; tiếp tục mở rộng, tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của Chương trình, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện.
Ghi nhận những kiến nghị của địa phương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị, UBND huyện Tuy Đức bổ sung vào báo cáo một số nội dung như: Đánh giá nguồn lực được phân bổ cho công tác giảm nghèo; phân tích, đánh giá việc phân cấp, phân quyền cho địa phương; đánh giá kết quả công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện Chương trình; đánh giá việc duy trì, tu bổ cho các công trình giảm nghèo; kiến nghị chính sách về dân cư... nhằm giúp Đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo giám sát trình UBTVQH.