Tham dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu; Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba; Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Xuân Hùng; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Cao Mạnh Linh.
Về phía TP. Cần Thơ có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Việt Trường; đại diện Đoàn ĐBQH Thành phố và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Nhu cầu lớn
Báo cáo tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ Mai Như Toàn cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2023, trên địa bàn thành phố có 38 dự án bất động sản về nhà ở, dân cư, tái định cư, đô thị đã có chủ trương, còn hiệu lực pháp lý và đang thực hiện.
Cũng trong giai đoạn này, có khoảng hơn 137 nghìn nền và hơn 42 nghìn nhà ở riêng lẻ được giao dịch buôn bán, chuyển nhượng, có 821 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bất động sản đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đăng ký 25.605 tỷ đồng. Có 5 dự án đang xác định tiền sử dụng đất, 14 dự án đang gặp khó khăn về thủ tục pháp lý và thu hồi 4 dự án.
Về nhà ở xã hội, giai đoạn 2015 - 2023, trên địa bàn thành phố không có dự án nào do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc do doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình bỏ vốn đầu tư. Các dự án nhà ở xã hội phần lớn nằm tại khu vực đô thị và khu công nghiệp đều được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, gồm 6 dự án, dự kiến cung ứng 2.549 căn hộ, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 10.000 người.
Hiện tại đã có 3 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội trên địa bàn và 3 dự án đang tiếp tục được triển khai xây dựng.
Theo UBND TP. Cần Thơ, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn hiện tại còn rất lớn so với các dự án đã và đang đầu tư. Thành phố đã quan tâm bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.
Công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND và UBND thành phố được thực hiện kịp thời, đúng trình tự thủ tục, căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền. Nội dung của văn bản phù hợp với quy định pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản đi vào nền nếp, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo sự ổn định về chính trị, xã hội tại địa phương.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Thực tiễn công tác kiểm tra thông tin theo thẩm quyền đối tượng đã có nhà ở, đất ở đang gặp khó vì chưa có hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nên dễ dẫn đến bỏ sót thông tin đối với người đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mà đã có nhà ở, đất ở trên địa bàn.
Các hoạt động giao dịch chưa được quy định cụ thể của pháp luật, khi phát sinh thành phố rất lúng túng trong công tác quản lý như: đặt cọc, giữ chỗ…, thường theo hình thức tự nguyện giữa đôi bên, nhưng thực chất bên nhận đặt cọc, giữ chỗ chưa bảo đảm pháp lý đối với tài sản (cụ thể là chưa có pháp lý đầy đủ về nhà ở, đất ở)…
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án còn chậm hoặc gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Các đối tượng được xét duyệt mua nhà ở xã hội khó tiếp cận được với chính sách do nhiều thủ tục chưa rõ ràng, như quy định điều kiện để được xét duyệt là không có nhà ở, đất ở, nhưng chưa xác định rõ phạm vi “không có nhà ở, đất ở” là trên địa bàn quận, huyện, thành phố hay trên phạm vi cả nước...
Việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội mang lại lợi nhuận không cao; việc thu hồi vốn kéo dài; quy trình xét duyệt đối tượng, phê duyệt giá bán, giá cho thuê và thực hiện bán, cho thuê nhà ở thuộc dự án còn nhiều bước, hồ sơ thủ tục phức tạp; chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Từ thực tiễn nêu trên, đại diện các sở, ngành của Cần Thơ nêu nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân,nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Một số ý kiến đề nghị, cần có quy định để được đầu tư linh hoạt hơn trong phương án kinh doanh phần 20% số diện tích nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại; được điều chỉnh giá bán trong trường hợp vì lý do khách quan, giá vật liệu xây dựng, nhân công… vượt quá dự kiến đầu tư.
Các doanh nghiệp kiến nghị xem xét có chính sách tăng mức biên lợi nhuận cho chủ đầu tư lên khoảng 12%; mở rộng diện khách hàng được mua nhà ở xã hội với tiêu chí đánh giá sát với từng khu vực, loại đô thị.
Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành cơ chế giao đất theo từng đợt đối với phần diện tích đã được bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và tạo điều kiện cho nhà đầu tư cũng như người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của địa phương, nhất là những vướng mắc về quy định pháp luật; chỉ ra những nội dung cần làm rõ và đồng bộ hơn...
Đoàn cũng nêu rõ, trên cơ sở nội dung làm việc với địa phương, Đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ, báo cáo cụ thể, góp phần giúp các địa phương sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm xây dựng ngành kinh doanh bất động sản phát triển bền vững, bảo đảm thực hiện tốt hơn công tác xây dựng nhà ở xã hội.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ghi nhận, thời gian qua, Cần Thơ đã lãnh đạo, chỉ đạo vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của địa phương, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Cần Thơ tiếp tục rà soát các quy định pháp luật, từ đó kiến nghị cụ thể, nhất là những nội dung vượt quá thẩm quyền, đồng thời tăng cường cải cách thủ tục hành chính và trách nhiệm trong thực thi công vụ, tập trung tháo gỡ vướng mắc của các dự án, phân loại các vướng mắc cụ thể, để có phương án giải quyết dứt điểm.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền liên quan đến các luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở để chủ động triển khai khi các bộ, ngành chuyên môn có văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này.
"Đoàn giám sát ghi nhận 6 kiến nghị về thị trường bất động sản và 5 kiến nghị về nhà ở xã hội để báo cáo với Quốc hội", Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
+ Cùng ngày, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại Dự án Khu đô thị mới STK An Bình, phường An Bình, quận Ninh Kiều; dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phường Thường Thạnh - An Phú ECOCITY, thuộc TP. Cần Thơ.