Các nhà lãnh đạo Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương nhóm họp trong hai ngày 25-26.9 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ở Washington. Ngay khi bắt đầu hội nghị, Tổng thống Biden cho biết chính quyền của ông đang yêu cầu Quốc hội phê duyệt 200 triệu USD hỗ trợ mới cho khu vực, bao gồm cả tài chính để giúp các hòn đảo ứng phó với các mối nguy hiểm về khí hậu và thiên nhiên cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng. Ông Biden đã đặt ưu tiên vào việc cải thiện mối quan hệ ở Thái Bình Dương vào thời điểm Mỹ ngày càng lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
“Tôi muốn các bạn biết rằng tôi nghe thấy lời cảnh báo của các bạn, người dân ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới cũng nghe thấy các bạn”, ông Biden nói với các nhà lãnh đạo. “Chúng tôi nghe thấy những cảnh báo của các bạn về nước biển dâng và chúng gây ra mối đe dọa hiện hữu cho các quốc gia của các bạn… Hôm nay, Hoa Kỳ đang nói rõ rằng đây cũng là quan điểm của chúng tôi”.
Tại diễn đàn, một số nhà lãnh đạo đã chỉ trích các nước giàu không hành động đủ để kiểm soát biến đổi khí hậu trong khi chính các nước này là những nước phát thải nhiều nhất, là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu cũng như là những quốc gia thu lợi từ các khoản vay cung cấp cho các nước nghèo bị tác động bởi biến đổi khí hậu.
Là một phần của hội nghị thượng đỉnh, Mỹ sẽ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với hai quốc gia Nam Thái Bình Dương là Quần đảo Cook và Niue. Ngoại trưởng Antony Blinken đã tham gia các lễ ký kết riêng với Thủ tướng Niue Dalton Tagelagi và Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown để đánh dấu mối quan hệ mới được nâng cao.
Phát biểu tại buổi lễ Thủ tướng Niue Dalton Tagelagi nói: “Hôm nay, chúng ta kỷ niệm lịch sử chung, các giá trị chung và mối quan hệ giữa nhân dân hai nước chúng ta. Chúng tôi đã rất mong chờ ngày này”.
Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown hoan nghênh việc nâng cao mối quan hệ của Hoa Kỳ với Quần đảo Cook và cho biết quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và các đảo Thái Bình Dương có thể là một công cụ quan trọng để giúp khu vực đạt được nguyện vọng của mình.
Ông Brown cho biết: “Những cột mốc quan trọng này tôn vinh những lĩnh vực thay đổi và chứng minh rằng với quyết tâm và khả năng lãnh đạo không thể lay chuyển thì có thể đạt được những thành tựu đáng kể”.
Diễn đàn bao gồm Úc, Quần đảo Cook, Micronesia, Fiji, Polynesia thuộc Pháp, Kiribati, Nauru, New Caledonia, New Zealand, Niue , Palau, Papua New Guinea, Cộng hòa Quần đảo Marshall, Samoa, Quần đảo Solomon, Tonga, Tuvalu và Vanuatu .
Trong khuôn khổ Hội nghị, quốc đảo Kiribati cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá 29,1 triệu USD với Millennium Corporation Challenge do Mỹ hậu thuẫn. Nhóm này sẽ hỗ trợ quốc đảo xây dựng hàng chục đảo san hô ở vùng trũng và giúp tăng cường lực lượng lao động.
Tổng thống Biden hôm 25.9 cũng thông báo rằng cuối năm nay ông sẽ triển khai một tàu Cảnh sát biển Hoa Kỳ tới khu vực để hợp tác và huấn luyện với các quốc đảo Thái Bình Dương.
Đây là hội nghị thượng đỉnh thứ hai được Mỹ tổ chức. Tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, Nhà Trắng đã công bố chiến lược Thái Bình Dương, phác thảo kế hoạch hỗ trợ các nhà lãnh đạo khu vực về các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải và bảo vệ khu vực khỏi nạn đánh bắt quá mức. Chính quyền cam kết Mỹ sẽ bổ sung 810 triệu USD viện trợ mới cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong thập kỷ tới, bao gồm 130 triệu USD cho những nỗ lực ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu.