
Nếu không có dịch Covid-19, những ngày đầu tháng 10 này, tháp Po Rome rộn ràng trong không khí Lễ hội Katê. Đây là một trong ba địa điểm (cùng với tháp Po Klong Garai và đền Po Ina Nagar) tổ chức các nghi lễ của lễ hội truyền thống gắn với đời sống tâm linh của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở Ninh Thuận. Theo truyền thống, sẽ rước y phục của nữ thần Po Ina Nagar - Thần Mẹ xứ sở từ đền Po Ina Nagar lên tháp Po Rome, sau đó mới bắt đầu các nghi lễ và hoạt động lễ hội.

Tháp Po Rome, tiếng Chăm là “Bimong Po Rome”, thuộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, cách TP. Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 15km. Du khách có thể đi đến tháp dễ dàng bằng ô tô hoặc xe máy, theo biển hướng dẫn rõ ràng, bởi đây là một trong những điểm đến du lịch văn hóa dân gian Chăm tại Ninh Phước nói riêng, Ninh Thuận nói chung.
Là công trình kiến trúc quy mô nhỏ nhất trong số đền tháp ở Ninh Thuận, nhưng Po Rome là ngôi tháp lớn cuối cùng của vương quốc Chămpa. Tháp cao được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XVII, thờ vua Po Rome - vị vua độc lập cuối cùng của Chămpa, người có công dẫn thủy nhập điền, phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo cuộc sống no ấm cho đồng bào Chăm trong vùng. Để lên được đến đây, du khách phải đi qua hàng chục bậc thang được làm từ những khối đá lớn.
Tháp Po Rome nằm trên hai quả núi thấp, là công trình gạch cổ còn nguyên vẹn nhất hiện nay của người Chăm tại vùng Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận). Về phong cách kiến trúc, Po Rome là bản sao không hoàn hảo của tháp Po Klong Garai nổi tiếng, có rất ít hoa văn, phù điêu cũng như hình chạm khắc. Công trình gồm hai ngôi tháp, tháp chính, tháp phụ và một miếu nhỏ, trong đó nét đặc sắc tập trung ở tháp chính. Tháp cao khoảng 8m, cạnh đáy rộng gần 8m, bên trong thờ tượng vua Po Rome cao khoảng 1,2m. Tượng vua bằng đá, được tạo từ một linga có 8 tay, đặt dưới một cái tán bằng gỗ. Ngoài tượng vua, trong tháp chính còn có một tượng bán thân nữ mà người Chăm gọi là tượng hoàng hậu Po Bia Sancan cao khoảng 0,75m. Tháp phụ thờ hoàng hậu Pra Sucih, gần tháp phụ là khu mộ táng của vua Po Rome.

Cũng như tháp Po Klong Garai, tháp Po Rome có một cửa chính, quay về hướng Đông, trên cửa chính có các tầng hình vòng cung, dưới các hình vòng cung là hình tượng thần Shiva và ngọn lửa thiêng. Ở các cửa giả (ở 3 hướng còn lại) có hình các vị thần bằng đá trong tư thế ngồi, khuôn mặt đậm nét bản địa. Mái ba tầng theo mẫu cổ, mỗi tầng có 4 tháp góc, trên đỉnh mỗi tháp góc có trang trí búp sen bằng đá và hình ngọn lửa trang trí ở 4 góc. Đặc biệt trong mỗi hốc giả là hình ảnh một vị thần đang ngồi chắp tay trong tư thế cầu nguyện.
Là một trong ba đền tháp linh thiêng, nổi tiếng tại Ninh Thuận, cùng với Hòa Lai và Po Klong Garai, Po Rome là những gì còn sót lại, thể hiện cho nét nghệ thuật tuyệt mỹ của người Chăm xưa. Tháp Pô Rome được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992. Hiện nay, đây vẫn là nơi đồng bào Chăm tiến hành các nghi lễ tôn giáo. Cộng đồng người Chăm trong khu vực sẽ lui tới thờ cúng tại tháp Po Rome vào bốn dịp lễ quan trọng: Lễ cầu đạo (tháng 4 theo Chăm lịch), lễ hội Kate (tháng 7 Chăm lịch), lễ cúng tưởng nhớ Mẹ xứ sở (tháng 9 Chăm lịch) và lễ mở cửa tháp (tháng 11 Chăm lịch).
Trị vì vương quốc Chămpa từ năm 1627 - 1651, Po Rome là vị vua có nhiều công trạng đối với sự nghiệp phát triển của dân tộc Chăm nên khi mất, ông được cộng đồng người Chăm tôn thờ như một vị thần. Tháp Po Rome thờ vua Po Rome chứ không thờ thần như các tòa tháp cổ khác.