Nhận diện nguồn lực
Bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo, phù hợp đặc điểm, tình hình, điều kiện cụ thể ở địa phương, những năm qua chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo đã thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, sống và làm theo Hiến pháp và pháp luật. Không những thế, nhiều phong trào, mô hình được triển khai, nhân rộng, đã và đang phát huy kết quả tốt như “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự”, “Xứ đạo an toàn”, “Họ đạo không có tệ nạn xã hội”, “Phật giáo tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình giáo dân gương mẫu giữ gìn an ninh trật tự”… Nhiều tổ chức cơ sở tôn giáo, nhiều cá nhân đứng đầu, chức sắc hoạt động tôn giáo đã đồng hành cùng dân tộc theo phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, “Tâm sáng, hướng thiện”, “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”…
Bằng cách gắn kết ngày càng chặt chẽ với các cấp chính quyền, cùng tham gia phổ biến, tuyên truyền pháp luật, các chức sắc tôn giáo đã vận động quần chúng tín đồ có trách nhiệm, ý thức trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. Từ đó, góp phần phát hiện, lên án, phê phán các hành vi kích động, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân cũng như kịp thời phát hiện, thông tin, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật. Thông qua mô hình này, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an đấu tranh, triệt xóa kịp thời vi phạm và hòa giải thành công nhiều vụ việc liên quan an ninh trật tự, góp phần làm giảm rõ rệt về số lượng và tính chất mức độ nghiêm trọng của các vụ việc theo từng năm.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo; bên cạnh việc các tôn giáo tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, thời gian qua cũng có tình trạng các đối tượng cực đoan lợi dụng tính nhạy cảm của vấn đề tôn giáo để khoét sâu mâu thuẫn giữa các tôn giáo, mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền. Đồng thời móc nối, câu kết với một số tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, nhân danh tôn giáo để tập hợp, phát triển lực lượng chống đối, phá vỡ ổn định chính trị - xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại các địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động truyền đạo trái pháp luật có xu hướng gia tăng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới. Đáng lo ngại là một số tôn giáo lạ, tà đạo, tạp giáo đã nhen nhóm phát triển nhanh.
Điều này gây nhiều khó khăn, thách thức, và đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, nhân dân, đặc biệt là nhận diện, phát huy tốt, hiệu quả nguồn lực của các chức sắc, tổ chức tôn giáo.
Củng cố, nâng cao hiệu quả
Trên cơ sở phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an, sự tham gia của các chức sắc, tổ chức tôn giáo, công tác giữ gìn an ninh trật tự thời gian vừa qua đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và có những kết quả tích cực. Ở đây, các chức sắc, tổ chức tôn giáo đã thực sự trở thành “cánh tay nối dài” giúp lực lượng công an thực hiện nhiều nhiệm vụ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động giữa chính quyền các cấp và các chức sắc, tôn giáo, trên cơ sở nhân rộng và làm tốt các mô hình chức sắc, tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Trong đó, đặc biệt coi trọng vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng. Bởi lẽ, hơn ai hết, họ là những tấm gương được dân tin yêu, làm theo. Đường lối, chính sách, pháp luật thông qua họ có thể đi sâu đến từng bản làng, gia đình, thấm đến từng người.
Đồng thời, cần đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là tuyên truyền về những tác động tiêu cực của hoạt động tôn giáo mới, lạ chưa được Nhà nước công nhận để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo và tin theo; vận động chức sắc, chức việc, tín đồ, người theo tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và nhân dân thực hiện nghiêm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Tại mỗi xã có người dân theo các tôn giáo cần xây dựng, duy trì hiệu quả hoạt động các mô hình để gắn kết, xây dựng mối quan hệ giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo, giữa các tôn giáo khác nhau và giữa người trong cùng tôn giáo; có biện pháp để phát huy các giá trị tốt đẹp của các tôn giáo phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở. Ở đây, lực lượng công an cần chủ động tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức tốt các quy chế, kế hoạch phối hợp với các tôn giáo về thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự; xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt làm hạt nhân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó có người có uy tín, các chức sắc trong tôn giáo, dân tộc; thường xuyên nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và đồng bào theo đạo...
Song song với đó, cần thực hiện tốt công tác tranh thủ chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo nhằm thúc đẩy xu hướng hoạt động tôn giáo thuần túy, tuân thủ pháp luật và đồng hành cùng dân tộc. Chú trọng phát huy vai trò của chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống Đảng, Nhà nước và góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong tôn giáo.
Điều này được ví như tạo làn sóng, từ đó nêu cao ý thức chấp hành pháp luật trong đồng bào các tôn giáo, góp phần mang lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.