Đoàn kết là sức mạnh
Tinh thần đoàn kết là bài học quý đã được tổng kết trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Thời nào các bậc minh quân khéo dùng chính sách đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc thì đất nước thái bình, thế nước đi lên. Ngay khi bắt tay vào xây dựng nền độc lập cho quốc gia Đại Việt, Đinh Tiên Hoàng đã phát huy Phật giáo ở cả khía cạnh trí tuệ và cố kết nhân tâm, để đoàn kết, phò vua, chống giặc, giúp nước. Sang thời Lý, Trần, Phật giáo trở thành quốc đạo, vun bồi trí đức để cả dân tộc đoàn kết một lòng, cùng bảo vệ non sông…
Trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc trở thành chiến lược quan trọng. Theo TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngay từ ngày đầu của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo”.
Không lâu sau khi nước nhà giành được độc lập, Người chỉ đạo triệu tập Hội nghị Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Mở đầu bài phát biểu tại hội nghị, Người nhấn mạnh: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đoàn kết là sức mạnh. Người nhìn ra bản chất của đoàn kết, chỉ ra gốc của đại đoàn kết chính là đoàn kết toàn dân. Những nội dung liên quan đến đại đoàn kết luôn được thể hiện rõ ràng, sinh động, bao trùm trong tư tưởng và hành động của Người. Theo đó, đã là người Việt Nam, dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo, dù theo tôn giáo nào thì đều chung một dân tộc, vì vậy, đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc là tất yếu. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước phải luôn có chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện đại đoàn kết, đồng thời khi thực hiện đại đoàn kết cần bảo đảm tính lâu dài: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài”; và thường xuyên được củng cố: “Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố: Nền có vững nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi”.
Động lực để phát triển
Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước ta luôn khẳng định đại đoàn kết là truyền thống quý báu, là đường lối chiến lược của Đảng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Thực tế những năm qua, công tác dân tộc, tôn giáo luôn được đặc biệt chú trọng. Những chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, về dân tộc không những khẳng định trong Hiến pháp, pháp luật, mà còn được thể hiện sinh động trong cuộc sống.
Theo Thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2003, cả nước có 6 tôn giáo với 15 tổ chức, 17 triệu tín đồ, khoảng 20.000 cơ sở thờ tự, 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc. Năm 2022, Nhà nước đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo, với khoảng 27 triệu tín đồ, trên 29.000 cơ sở thờ tự, trên 53.000 chức sắc, khoảng 135.000 chức việc. Ngoài ra, hằng năm có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia. Điều đó phản ánh nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Chưa kể, trong 10 năm qua, thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan có thẩm quyền đã cấp hàng trăm ha đất để xây dựng cơ sở thờ tự như TP. Hồ Chí Minh giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh Thần học; Đắk Lắk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; Đà Nẵng giao hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng; Quảng Trị giao 15ha đất cho Giáo xứ La Vang... Đó là bằng chứng sinh động cho nguyên tắc Đảng, Nhà nước vì đời sống tinh thần của tín đồ các tôn giáo.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với 14,3 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước (năm 2022). Đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng ở các khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Vì thế, trong tất cả văn kiện Đại hội Đảng (thời kỳ đổi mới) đều xác định vấn đề dân tộc “có vị trí chiến lược lớn’’, “luôn luôn có vị trí chiến lược’’, “có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta”...
Do đó, hàng năm, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế của người dân, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, khơi thông thế mạnh, tiềm năng kinh tế - xã hội của vùng. Các chính sách này luôn nhất quán theo nguyên tắc các dân tộc “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Như lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV (tháng 6.2023) rằng: Công tác dân tộc được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Những kết quả đạt được trong công tác dân tộc, tôn giáo thời gian qua chính là động lực để đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo phát huy sức mạnh, thi đua phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết vì sự phát triển bền vững.