Thấm sâu ý thức nguồn cội
Trong tâm thức người Việt Nam, Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị Tổ dựng nước của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, mang giá trị tinh thần sâu đậm về tình cảm, lòng tự tôn và tự hào dân tộc. Quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương diễn tiến từ thấp đến cao và liên tục được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Giỗ Tổ Hùng Vương và việc tổ chức tế lễ, rước, cầu cúng, các sinh hoạt diễn xướng văn hóa dân gian đã được cộng đồng gìn giữ, duy trì, bảo tồn qua thời gian dài cho đến ngày nay.
Đền Hùng gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cao nhất của người Việt. Đặc biệt, khi UNESCO chính thức ghi danh Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012, việc bảo tồn, phát huy, quảng bá thời đại Hùng Vương và di sản này càng được đẩy mạnh. Từ đó, không chỉ người dân ở Phú Thọ, các vùng miền trong nước mà cả cộng đồng quốc tế có nhận thức sâu sắc thêm về sức sống của di sản này trong đời sống, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ý thức nguồn cội ngày càng thấm sâu.
Theo Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang, những năm qua, lượng khách hành hương về Đền Hùng thắp hương bái Tổ ngày càng tăng. Đây là minh chứng cho sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đặt mục tiêu trở thành lễ hội mẫu mực của cả nước, hàng năm Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm, mang tính cộng đồng sâu sắc. Phú Thọ tập trung thực hiện chủ trương kết hợp hài hòa vai trò của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng với tư cách là chủ thể di sản. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để Nhân dân bảo vệ các tập quán xã hội, nghi lễ và quan tâm tu bổ, tôn tạo, phục hồi gần trăm di tích thờ Hùng Vương ở các xã vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng và trên địa bàn tỉnh.
Từ thực tế bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho thấy, nếu cộng đồng hiểu đúng giá trị, nét đẹp, tín ngưỡng dân gian sẽ được tiếp nối, trao truyền, trở thành nền móng vững chắc, động lực nhân lên sức mạnh, niềm tin để dân tộc Việt phát triển.
Hiểu đúng để gìn giữ, phát huy
Các tín ngưỡng dân gian dù tồn tại dưới nhiều hình thức nhưng đều hướng con người tới những giá trị tốt đẹp chân - thiện - mỹ. Qua đức tin giúp con người tự răn mình, điều chỉnh hành vi, cách ứng xử. Đối sánh những giá trị đó là cách bảo vệ, phát huy những giá trị thiêng liêng, bản chất tốt đẹp, nhân văn của tôn giáo, tín ngưỡng.
Tuy nhiên, thực tế trong đời sống tín ngưỡng đang đặt ra nhiều vấn đề. Sự phát triển đa dạng, phong phú của đời sống tín ngưỡng bên cạnh việc đáp ứng một phần nhu cầu tâm linh của Nhân dân, cũng làm xuất hiện không ít hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện các hành vi phản văn hóa, "buôn thần bán thánh". Thậm chí, một số tín ngưỡng bị lợi dụng, phát triển thành các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới với các biểu hiện phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Theo các chuyên gia, cần thực hiện khảo sát, kiểm kê, phân loại các hoạt động tín ngưỡng, nghi lễ văn hóa trong cả nước, nhất là một số hoạt động tín ngưỡng phổ biến như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, anh hùng dân tộc, tín ngưỡng thờ Mẫu... Từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm khôi phục, gìn giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp và loại bỏ những hình thức mê tín, dị đoan, gây tốn kém.
Đẩy mạnh vận động, hướng dẫn người dân hoạt động tín ngưỡng lành mạnh, phù hợp với phong tục truyền thống của người Việt, không bị lôi kéo vào các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng vi phạm pháp luật. Đồng thời, kiên quyết xóa bỏ một số hiện tượng tín ngưỡng biến dạng, bị một số kẻ xấu lợi dụng theo chiều hướng dung tục hóa, phục vụ mục đích trục lợi, gây thiệt hại về tiền của, sức khỏe con người; kích động, xúi giục số quần chúng cả tin, quá khích đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng gây mất trật tự an ninh, chính trị xã hội tại một số địa phương.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng của các dân tộc, cần tôn trọng sự tự quản của cộng đồng, để họ phát huy vai trò chủ thể của mình. Song song với đó, hướng dẫn, định hướng người dân tổ chức sinh hoạt lễ hội đúng với văn hóa truyền thống, gắn kết sinh hoạt tín ngưỡng và thực hành lễ hội trong mối quan hệ lợi ích kinh tế - văn hóa - xã hội.
Thực tế cho thấy, tận dụng và khai thác tốt các giá trị văn hóa trong đời sống tín ngưỡng, biến chúng trở thành tài nguyên du lịch không những làm cho cư dân địa phương có trách nhiệm hơn trong giữ gìn nét đẹp tín ngưỡng, quản lý di sản văn hóa, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tích cực hơn, tạo điều kiện cho cộng đồng phát triển bền vững. Thông qua các lợi ích kinh tế mang lại, cộng đồng sẽ hiểu đúng hơn về những giá trị của văn hóa, tín ngưỡng, từ đó có ý thức lưu giữ bản sắc.