Bổ sung xe ưu tiên để bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật
Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ, đa số các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (gọi tắt là dự thảo Luật).
Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thanh Sang đề nghị, cần bổ sung xe của Viện Kiểm sát nhân dân đi làm nhiệm vụ khẩn cấp thuộc đối tượng xe ưu tiên. Điều này vừa bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân, vừa bảo đảm tính đồng bộ, thực tiễn thi hành pháp luật.
Lý giải đề xuất này, đại biểu Sang cho rằng, thứ nhất, theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Viện kiểm sát có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trong đó có biện pháp bắt bị can để tạm giam. Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát phải có mặt thực hiện kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét... Đây là những nhiệm vụ khẩn cấp, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có mặt kịp thời. Nếu Kiểm sát viên chưa có mặt thì không tiến hành được việc khám nghiệm, khám xét theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Mặt khác, thực hiện yêu câu về cải cách tư pháp “tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra” và theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thì Kiểm sát viên phải trực tiếp tiến hành hoạt động xác minh giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tiến hành một số hoạt động điều tra và tham gia phối hợp cùng Điều tra viên trong hoạt động điều tra theo quy định của của pháp luật (đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, hỏi cung bị can, lấy lời khai...).
Như vậy, từ khi thụ lý và suốt quá trình điều tra vụ án hình sự, Kiểm sát viên phải tham gia phối hợp với Điều tra viên để tiến hành hoạt động điều tra. Do đó, cần trang bị xe ưu tiên để Viện kiểm sát thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định của pháp luật; tương tự như đối với Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Thứ hai, khoản 3 Điều 4 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là một trong ba hệ thống Cơ quan điều tra chuyên trách tiến hành điều tra 38 tội phạm xâm phạm hoạt động pháp, tội tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp..., trong đó tiến hành những nhiệm vụ khẩn cấp như bắt, khám xét hoặc tiến hành các hoạt động điều tra, dẫn giải người phạm tội...
Tuy nhiên, khoản 36 Điều 3 dự thảo Luật mới chỉ quy định “xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp” nhưng không quy định xe Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, như vậy là chưa tương ứng với các Cơ quan điều tra chuyên trách trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, chưa bảo đảm điều kiện để Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Vì thế, cần bổ sung quy định “xe của Viện Kiểm sát nhân dân đi làm nhiệm vụ khẩn cấp” vào đối tượng “xe ưu tiên”.
Tăng thời gian dừng nghỉ cho lái xe
Khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng quy định này “còn chung chung” và cần phải nêu rõ “có nồng độ cồn vượt quá quy định hay không?”.
Theo đại biểu, về mặt quan điểm chắc chắn phải hạn chế người tham gia giao thông sử dụng rượu bia vì gây nhiều tác hại, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn giao thông, song cần quy định hợp lý. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100), mức xử phạt thấp nhấp là 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện mà hơi thở có nồng độ cồn dưới 50mg/l. Tuy nhiên, “1mg/l hay 49mg/l cũng là dưới 50mg/l”, đại biểu lập luận.
Do vậy, theo đại biểu, nếu Luật này được thông qua thì cần phải có Nghị định mới thay thế cho Nghị định 100. Dự thảo cũng cần bổ sung hành vi nghiêm cấm là “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép”, và cần lựa chọn một nồng độ sàn cụ thể.
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ đề xuất, điểm d khoản 2 Điều 29 của dự thảo Luật quy định “trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường phải có người lớn dẫn dắt” là chưa hợp lý trong thực tiễn, mà nên tăng số tuổi này là dưới 11 tuổi.
Tại khoản 2 Điều 56 quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ. Theo đó, thời gian lái xe liên tục, thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe từ 6 giờ đến 22 giờ thì thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 5 phút đối với lái xe taxi, xe buýt và 15 phút đối với lái xe vận tải nội bộ, các loại hình kinh doanh vận tải còn lại; từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục không quá 180 phút, thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 30 phút đối với lái xe vận tải nội bộ và các loại hình kinh doanh vận tải.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, quy định như vậy là chưa phù hợp, cần tăng thời gian dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu lên 10 phút đối với lái xe taxi, xe buýt và tối thiểu 20 - 30 phút đối với các loại hình kinh doanh vận tải, đặc biệt là với lái xe đường dài thì thời gian dừng nghỉ này cũng cần phải tăng lên để bảo đảm tái tạo sức lao động.