Đây là đề xuất đáng chú ý của Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6.10.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng, diễn ra tại Lâm Đồng ngày 20.11
Phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn là tất yếu
Theo Nghị quyết số 23-NQ/TW, vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước - "phên dậu phía Tây của Tổ quốc" nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại.
Để phát triển vùng Tây Nguyên, Nghị quyết xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với Vùng là “vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến…”.
Phát biểu tại hội nghị, Anh hùng Lao động Thái Hương cho rằng, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Tây Nguyên sẽ là chỗ dựa vững chắc cho tương lai và cần được giữ vững bằng con đường phát triển bền vững, với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn như Nghị quyết số 23-NQ/TW chỉ ra.
Trên thực tế, doanh nghiệp này đã đầu tư vào kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với dự án trồng 500ha sầu riêng giống mới tại tỉnh Kon Tum từ 2 năm trước. Hiện, Tập đoàn đang lập một đề án trình tỉnh Kon Tum và vùng Tây Nguyên để phát triển kinh tế dưới tán rừng trên cơ sở mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức.
Tuy vậy, theo Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, nguồn lực đất đai vẫn là vấn đề nan giải. “Có những khu vực trên giấy tờ còn 26.000ha nhưng khi chúng tôi tìm hiểu thì chỉ còn vài ha”, hay khi doanh nghiệp đề xuất phát triển kinh tế xanh, cần diện tích lâm nghiệp, chính quyền vẫn ngần ngại ra quyết định vì vẫn là đất rừng nên không được động chạm đến, dù người dân đã canh tác hàng chục năm nay. Do vậy, theo bà Thái Hương, cần phải đánh giá lại thực trạng đất đai tại Tây Nguyên, từ đó có bộ chính sách ứng xử cho phù hợp.
Cần thu hút được tập đoàn lớn
Nhấn mạnh hội nghị hôm nay là điểm khởi đầu cho Tây Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho rằng cần dựa trên thực trạng đất đai của Tây Nguyên để đưa ra định hướng phát triển phù hợp cho toàn Vùng. Theo bà, Tây Nguyên có thể phát triển theo 4 hướng.
Một là, chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, đưa người nông dân cùng đi theo chuỗi giá trị, sản xuất khép kín. “Tôi sẽ đưa mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao theo chuỗi mà TH đang làm ở Nghệ An lên Tây Nguyên. Hiện, TH đã có kế hoạch triển khai tại Đắk Nông và các vùng phụ cận, đưa nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi đại chăn nuôi này; sau đó trồng cây ăn quả, cây hương vị và gia vị”, bà Thái Hương thông tin.
Hai là, trồng cây đa tầng kết hợp chế biến sâu và logistic để tạo ra những sản phẩm, lực lượng hàng hóa có thương hiệu cho Vùng.
Ba là, khai thác khoáng sản một cách bền vững. Bởi Tây Nguyên có trữ lượng bauxite rất lớn, Chính phủ cần quy hoạch sớm, xã hội hóa việc khai thác như nghị quyết của Bộ Chính trị. Phải đưa khoa học hiện đại vào thì mới phát triển được kinh tế xanh và không để lại hệ lụy khi khai thác tài nguyên, đồng thời những vùng đất có bauxite nhưng trữ lượng không đủ lớn thì nên trồng cây ăn quả, cây thảo dược có giá trị lớn hơn, không nên cố khai thác, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH đề xuất.
Bốn là, phát triển du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng. Theo bà Thái Hương, cần quy hoạch vùng Tây Nguyên để tạo ra một công viên du lịch cộng đồng có sự đa dạng (gồm du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề…), phải có hồn cốt dân tộc. Việc phát triển 4 lĩnh vực chủ chốt này sẽ tạo thêm điều kiện để thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển theo, bà tin tưởng.
Để cụ thể hóa việc phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho rằng rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp đủ năng lực, đủ tâm và tầm để áp dụng công nghệ thế giới, đưa người dân cùng phát triển.
“Tây Nguyên chưa phát triển đúng tầm cỡ. Ở Tây Nguyên chưa có những doanh nghiệp, tập đoàn đủ lớn. Chính phủ cần có chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp này”, bà Thái Hương lưu ý.
Tại hội nghị, Tập đoàn TH và UBND tỉnh Đắk Nông ký Biên bản ghi nhớ phát triển các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao theo định hướng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thảo dược; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp khai khoáng.
TH cũng dự kiến phát triển bò sữa tại Đắk Nông; đề xuất triển khai tại tỉnh này các dự án trồng trọt cây ăn quả và thảo dược ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu, nhà máy chế biến nước tinh khiết tập trung ứng dụng dụng công nghệ cao, trung tâm logistics, dự án khai thác về chế biến sâu bauxite, các dự án phát triển du lịch bền vững...
Với tỉnh Lâm đồng, Tập đoàn TH ký kết biên bản ghi nhớ triển khai nghiên cứu, khảo sát dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao theo định hướng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thảo dược; thương mại, dịch vụ, du lịch; công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh.
Tập đoàn tiếp tục phát triển dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Lâm Đồng, trồng cây ăn quả và các loại thảo dược theo hướng đa tầng (theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap, Organic) ứng dụng công nghệ cao và chất lượng sản phẩm tốt, có truy xuất nguyên liệu đầu vào rõ ràng, kết hợp chế biến tại chỗ; phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp khai khoáng theo hướng bền vững.