Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Hữu Độ, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Bộ đã tham mưu ban hành các loại văn bản để tổ chức triển khai thực hiện. Bộ cũng ban hành theo thẩm quyền hệ thống các quy định, hướng dẫn thực hiện chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông mới, như: Kế hoạch thực hiện đổi mới CT, SGK, các quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện ban hành chương trình, tổ chức thẩm định SGK, lựa chọn SGK, tiêu chuẩn, chức danh nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và quy định từ cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ đổi mới CT, SGK...
Đến nay, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 sử dụng cho các cơ sở giáo dục từ năm học 2020 - 2021. Đối với SGK lớp 2, lớp 6, các nhà xuất bản đang hoàn thiện bản thảo để Bộ GD - ĐT tổ chức thẩm định và ban hành cho phép sử dụng. Như vậy, Bộ GD - ĐT đã thực hiện tốt việc xã hội hóa biên soạn SGK, không cần sử dụng đến ngân sách nhà nước vẫn bảo đảm có đủ SGK để học sinh và các nhà trường sử dụng.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ GD - ĐT, đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông là một vấn đề lớn. Đây là lần đầu tiên, chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nội dung giáo dục địa phương được đưa vào chương trình với thời lượng 35 tiết/năm ở cấp THCS và THPT với quy định UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định là một khó khăn, thách thức. Lần đầu tiên thực hiện một chương trình, nhiều SGK nên việc lựa chọn, sử dụng SGK ở các địa phương rất đa dạng, khó khăn trong việc in ấn, phát hành. Việc chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn...
Bộ GD - ĐT kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và Bộ GD - ĐT không tổ chức biên soạn một bộ SGK bằng ngân sách nhà nước.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao việc Bộ GD - ĐT vượt qua khối lượng công việc và áp lực lớn, chuẩn bị cho việc đổi mới CT, SGK bài bản và cơ bản đạt được sự đồng thuận. Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về việc có đủ SGK cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; cơ sở vật chất, phòng học kiên cố đáp ứng học sinh học 2 buổi/ ngày, nhất là ở các vùng điều kiện kinh tế khó khăn; chất lượng tập huấn giáo viên chuẩn bị cho CT, SGK mới cũng như định mức giáo viên để hướng tới tất cả các cấp học thực hiện dạy 2 buổi/ngày và giảm sĩ số học sinh/lớp)...
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh: Luật Giáo dục 2019 quy định, giáo dục tiểu học là bắt buộc, do đó, trách nhiệm của nhà nước, gia đình, xã hội vừa bảo đảm cơ sở vật chất, SGK, tài liệu học tập cho các đối tượng, trong đó có cả con em đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ khuyết tật... Để thực hiện được điều đó, cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức để giải bài toán tổng thể, đặc biệt là vấn đề đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.