Dự án Cảng quốc tế Cần Giờ do liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) - Công ty CP Cảng Sài Gòn và Mediterranean Shipping Company (MSC) đề xuất với tổng mức đầu tư sơ bộ (7 giai đoạn) hơn 112.000 tỷ đồng. Dự án có quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEUs), công suất thông qua 10 - 15 triệu TEUs khi đưa vào khai thác năm 2027.
Các nhà đầu tư cho biết, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án sẽ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP. Hồ Chí Minh trong quý I.2023. Tuy nhiên, trong bản kiến nghị gửi đến Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) và được cơ quan này vừa trình lên Thủ tướng, các doanh nghiệp trong ngành logistics kiến nghị phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả đầu tư của dự án, tránh gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành.
Cụ thể, theo các doanh nghiệp, Cảng trung chuyển Cần Giờ không có trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được ban hành theo Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22.9.2021.
Bên cạnh đó, lưu lượng hàng hóa trung chuyển từ các quốc gia Thái Lan, Campuchia, Philippines qua vị trí đề xuất cảng quốc tế Cần Giờ khá khiêm tốn. Theo ước tính của Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA), với vị trí địa lý của cảng Cần Giờ thì sẽ thu hút được các hàng hóa trung chuyển từ Philippines đi châu Âu là chủ yếu (do hàng đi Mỹ thì chuyển tải ở Đài Loan thuận tiện hơn) với tối đa khoảng 300.000 TEUs; từ Campuchia đi các nơi với khoảng 100.000 TEUs; và từ Thái Lan đi châu Âu với khoảng 200.000 TEUs, tổng cộng chỉ khoảng 1 triệu TEUs. Đây là con số được dự báo là lãng phí nguồn lực so với quy mô thiết kế của dự án, đặc biệt khi số vốn đầu tư sẽ phải bỏ ra lớn do chưa có hạ tầng giao thông kết nối tới cảng.
Ngoài ra, nhiều dự án nâng cấp và xây dựng mới có trong quy hoạch, điển hình như Trung tâm Logistics và bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu còn chưa khai thác hết công suất, hoàn toàn đáp ứng được năng lực vận tải của khu vực nên việc đầu tư mới trong khi chưa tối ưu hệ thống hiện tại có thể gây lãng phí, giảm nguồn lực đầu tư.
Từ những phân tích trên, các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành logistics kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu kỹ lưỡng tính khả thi và hiệu quả đầu tư của dự án Cảng quốc tế Cần Giờ, để tránh tình trạng lãng phí nguồn lực.