Thực hiện hiệu quả Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" năm 2023 được TP. Hà Nội tổ chức lần thứ 13 tiếp tục trở thành một trong những hoạt động quan trọng của thành phố nhằm xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt với hàng Việt. Qua đó, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu Việt…
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, các hoạt động Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" triển khai trong 13 năm qua của TP. Hà Nội rất hiệu quả; đó là sự tăng trưởng lợi nhuận khi tham gia bình chọn đều tăng từ 10% - 20%; lợi nhuận trên đầu sản phẩm từ 15% - 20%; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ít đi.
Giám đốc Công ty CP Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài cho hay, sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp được hưởng lợi ích to lớn khi được bình chọn trong chương trình vì được truyền thông, quảng bá. Không những vậy, nhờ có chương trình mà khách hàng được tiếp cận nhiều sản phẩm, dịch vụ giá tốt và cảm thấy yên tâm khi mua dịch vụ trong chương trình này.
Năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội và các tổ chức thành viên đã tổ chức 7 chương trình Phiên chợ hàng Việt tại những địa bàn khác nhau và tổ chức các hội chợ để kích cầu người tiêu dùng. Các quận cũng triển khai kết nối giao thương với các đơn vị trong cả nước để đưa hàng nông sản trên địa bàn giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng; tiếp tục mở rộng các điểm quảng bá các sản phẩm OCOP. Hiện, Hà Nội có hơn 1.000 sản phẩm OCOP, các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao trên địa bàn thủ đô.
Trong bối cảnh tác động sau đại dịch, kết quả đạt được trong năm 2022 rất đáng ghi nhận khi nhận được hơn 220 doanh nghiệp gửi hồ sơ với 288 sản phẩm, dịch vụ có chất lượng. Số lượng bình chọn tham gia chương trình bình chọn năm sau cao hơn năm trước, cả từ bình chọn trực tuyến đến trực tiếp. Đây là con số có ý nghĩa, khẳng định sự quan tâm của người tiêu dùng đối với cuộc vận động.
Lan tỏa hàng Việt Nam tới người tiêu dùng
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, các doanh nghiệp được vinh danh có sự khác biệt lớn bởi chiến lược xây dựng sản phẩm cũng như sự chủ động trong quảng bá thương hiệu.
Các hoạt động truyền thông của doanh nghiệp gắn với hoạt động truyền thông của Ban Tổ chức, tạo hiệu ứng kép cho Chương trình. Từ đó, tạo được mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 20%. Với các doanh nghiệp được vinh danh khác thông qua các kênh truyền thông, quảng bá sản phẩm dịch vụ, số lượng người biết đến sản phẩm dịch vụ tăng từ 5% - 10%.
Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã giúp hàng Việt ngày càng có sự lan tỏa, được người tiêu dùng cả nước biết đến và hưởng ứng tích cực. Cùng với đó, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước có mặt trong hệ thống phân phối tăng cao. Đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, tin tưởng hàng Việt, nhất là đối với phân khúc hàng Việt Nam chất lượng cao… Đáng lưu ý, siêu thị chính là kênh quảng bá, xúc tiến thương mại quan trọng, đưa các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân thông tin, hiện tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống bán lẻ của Central Retail (siêu thị GO!, Big C và siêu thị Tops Market) là trên 90%. Đội ngũ cán bộ thu mua của hệ thống đại siêu thị GO!, Big C (thuộc Central Retail Việt Nam) đã chủ động tìm đến các nhà cung cấp tại các địa phương để đưa các sản vật, đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng cả nước.
Đại diện siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) cho rằng: để hàng Việt có sức lan tỏa và lớn mạnh, ngoài kênh bán lẻ trực tiếp, việc áp dụng số hóa sẽ cung cấp thêm cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới, hiện đại, tiện lợi hơn…, tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong phát triển chuỗi cung ứng, gia tăng nội lực cạnh tranh cho các thương hiệu Việt.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, thời gian qua, Sở Công thương đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Đồng thời, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp.
Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của cuộc vận động theo Kết luận của Bộ Chính trị về Tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Thông báo số 264-TB/TW ngày 31.7.2009 và Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19.5.2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn TP. Hà Nội. Đẩy mạnh xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng Việt.
Bên cạnh đó, phối hợp xây dựng các chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng để đưa hàng Việt chiếm thị phần tương xứng trong hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố.
Mặt khác, mở rộng mạng lưới điểm bán hàng cố định, lưu động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi; giới thiệu và quảng bá sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn,… Các sở, ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, nguồn gốc… hàng Việt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.