
Thực hiện quy hoạch cấp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị Sở Công thương, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, UBND TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đầu tư đồng bộ công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề, cụm công nghiệp.
Theo đó, các đơn vị liên quan cần bố trí quỹ đất và triển khai thủ tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ các dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông.
Thành phố đặt mục tiêu đến ngày 31.12.2025 sẽ có 92% khu công nghiệp và 60% cụm công nghiệp có hạ tầng thu gom, xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% làng nghề có phát sinh nước thải sản xuất có phương án thu gom, xử lý nước thải tập trung; 50% lượng nước thải từ các làng nghề được thu gom và xử lý. Đồng thời, khơi thông dòng chảy tại các đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, đặc biệt là những điểm nóng ô nhiễm trên sông Sài Gòn (đoạn từ cửa sông Thị Tính về hạ lưu); giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại tuyến giáp ranh trên kênh Ba Bò và khu vực Suối Cái (gồm Suối Nhum - Suối Xuân Trường - Suối Cái).
Sở Giao thông Công chánh thành phố được giao huy động mọi nguồn lực để thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, làng nghề, khu - cụm công nghiệp; chủ động đề xuất giải pháp, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý nước thải tại các khu vực dân cư phân tán. Mục tiêu đến ngày 31.12.2025, 30% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý; 40% nước thải sinh hoạt nông thôn được xử lý bằng biện pháp tập trung hoặc phân tán phù hợp.
Thành phố cũng đặt mục tiêu vận hành hiệu quả các dự án thoát nước, xử lý nước thải, cải tạo và phục hồi môi trường nước, góp phần khơi thông dòng chảy, nhất là tại những đoạn sông đi qua khu vực đô thị, điểm nóng ô nhiễm trên sông Sài Gòn.
Sở Tài chính được giao kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại đô thị và khu dân cư tập trung, trong đó ưu tiên các dự án cấp thiết. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị phối hợp chặt chẽ để khắc phục tồn tại, sớm đưa vào vận hành các công trình nhằm bảo đảm tiêu thoát nước và xử lý ô nhiễm tại khu vực kênh Ba Bò, Suối Nhum - Suối Xuân Trường - Suối Cái.
UBND TP. Thủ Đức và UBND các quận, huyện có trách nhiệm tổng hợp danh mục các nguồn thải có lưu lượng từ 200m³/ngày đêm trở lên vào lưu vực sông để kiểm soát chặt chẽ; đồng thời báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường trên địa bàn theo thẩm quyền.