Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Hiện nay, Nam Định là địa phương được đánh giá đi đầu cả nước trong cải cách hành chính và chính sách thu hút đầu tư. Việc triển khai các kế hoạch chiến lược như Kế hoạch số 73-KH/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 75/KH-UBND của UBND tỉnh, theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20.8.2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, cùng với Chương trình hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27.4.2020, đã góp phần hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư. Đặc biệt, việc thu hút vốn FDI đã giúp tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà.
Song song với chính sách ưu đãi, tỉnh cũng quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Cụ thể như thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ và tối ưu hóa môi trường đầu tư; rút ngắn thời gian, giảm chi phí thông qua cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng của tỉnh luôn chủ động phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản trong quá trình giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng và quản lý chất lượng công trình.
Đồng thời, nhanh chóng kiện toàn tổ chức, thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, kiểm soát thủ tục hành chính và xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị: Trung tâm Phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định và Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng UBND tỉnh, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và thực hiện thủ tục đầu tư nhanh chóng. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tục tăng.

Năm 2023, đạt 66,67 điểm, tiệm cận mức trung bình cả nước, với nhiều chỉ số cải thiện rõ rệt như: 0% doanh nghiệp phải chờ hơn một tháng để hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh; hướng dẫn thủ tục rõ ràng, minh bạch; thực thi pháp luật kinh tế nhanh chóng, bảo vệ tốt quyền lợi doanh nghiệp. Việc cải cách hành chính quyết liệt giúp Nam Định trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Nam Định không chỉ sở hữu lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng và chính sách, mà còn có nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao với dân số 2,23 triệu người, với 72,1% lao động đã qua đào tạo. Với truyền thống 30 năm liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục; Nam Định có tỷ lệ học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; nhiều học sinh đoạt thành tích cao tại Olympic châu Á, Olympic quốc tế là lợi thế lớn trong việc phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp công nghệ cao giúp Nam Định dễ dàng thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo và sản xuất quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng cho các tập đoàn trong và ngoài nước.
Hạ tầng hiện đại để đón sóng đầu tư
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nam Định đã tập trung nguồn lực để phát triển hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, giúp cải thiện mạnh mẽ khả năng kết nối liên vùng và liên quốc gia. Đây chính là yếu tố quyết định đưa địa phương trở thành trung tâm thu hút đầu tư mới. Hàng loạt tuyến đường huyết mạch được xây dựng và nâng cấp giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, tăng cường liên kết với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Các dự án quan trọng bao gồm: Tuyến đường bộ ven biển; tuyến trục phát triển nối vùng kinh tế biển với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển đang hoàn thiện, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp ven biển. Cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11) và Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng (CT.08) sắp khởi công sẽ đưa Nam Định vào mạng lưới cao tốc quốc gia, kết nối Đông - Tây và Bắc - Nam một cách hoàn chỉnh. Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ (Kênh, Âu tàu Nghĩa Hưng) đi vào hoạt động từ tháng 7.2023 giúp kết nối tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng thủy trên sông Đáy khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang; tàu chở container tải trọng 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể rút ngắn về thời gian 5 tiếng trong hành trình di chuyển từ các tỉnh ven biển đến Ninh Bình và ngược lại so với trước kia, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đi qua kênh.
Luồng đường thủy này có vai trò tạo "cú hích" lớn với kinh tế biển, trong đó có vận tải biển tại khu vực Nam Định nói riêng và vùng kinh tế đồng bằng Bắc Bộ khởi sắc, với dự báo sản lượng hàng hóa vận chuyển sắp tới sẽ tăng nhanh khi Nam Định đang đón làn sóng đầu tư lớn với loạt doanh nghiệp, dự án FDI. Với hạ tầng giao thông hiện đại, không chỉ tạo điều kiện thu hút đầu tư sản xuất mà còn có tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực.
Mới đây nhất, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành 2 Quyết định số 881/QĐ-UBND và 882/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 dự án khu công nghiệp: Minh Châu - giai đoạn 1 (huyện Nghĩa Hưng) và khu công nghiệp Xuân Kiên - giai đoạn 1 (huyện Xuân Trường).
Khu công nghiệp Minh Châu có tổng mức đầu tư hơn 1.259 tỷ đồng (trong đó nhà đầu tư góp 220 tỷ đồng). Dự kiến, dự án sẽ được khởi công trong quý I.2026 và hoàn thành toàn bộ hệ thống hạ tầng vào quý III.2027. Khu công nghiệp này được định hướng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao.
Còn Khu công nghiệp Xuân Kiên có tổng mức đầu tư khoảng 1.245 tỷ đồng (trong đó nhà đầu tư góp 249 tỷ đồng). Dự kiến, dự án sẽ được khởi công trong quý I.2026 và hoàn thành toàn bộ hạ tầng vào quý I.2028.
Cả 2 khu công nghiệp trên đều được cấp phép hoạt động trong thời hạn 50 năm. Tại đây, cũng được định hướng phát triển theo mô hình khu công nghiệp hiện đại, xanh và bền vững, bao gồm các công trình phục vụ đời sống người lao động như: Khu nhà ở công nhân, trường học, dịch vụ tiện ích công cộng... Đây được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, tạo tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển khá của vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.