Tham dự chương trình nghệ thuật có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Lê Văn; Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh UNESCO cùng gần 200 đại biểu là Đại sứ các nước bên cạnh UNESCO, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức của Pháp và quốc tế, đông đảo kiều bào Việt Nam tại Pháp.

Đoàn công tác tỉnh Bắc Ninh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi làm Trưởng Đoàn. Cùng dự có nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Quất, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng; Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hà Sỹ Tiếp.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đất nước Việt Nam có truyền thống lịch sử cùng nền văn hóa độc đáo, sản sinh nhiều danh nhân xuất chúng. UNESCO công nhận danh hiệu Danh nhân văn hóa thế giới cho các danh nhân tiêu biểu như: Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An... các danh hiệu uy tín như: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu cùng hàng chục di sản văn hóa. Mỗi di sản đều mang trong mình một câu chuyện góp phần định hình bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tỉnh Bắc Ninh có truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời, nơi hội tụ kho tàng văn hoá dân gian. Bắc Ninh được mệnh danh là “Vương quốc của lễ hội” với nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá nghệ thuật dân gian phong phú. Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tiêu biểu trong các loại hình thức diễn xướng dân gian của Việt Nam.
Ngày 30.9.2009, tại kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ theo Công ước 2003 của UNESCO đã vinh danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Hơn mười lăm năm qua, tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiều hoạt động thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản, dành nhiều nguồn lực để giới thiệu, quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh với bạn bè năm châu...

Bên cạnh Dân ca Quan họ, Bắc Ninh còn nổi tiếng với một loại hình nghệ thuật dân gian tạo hình đó là tranh dân gian Đông Hồ, làm tranh khắc gỗ hoàn toàn bằng phương pháp thủ công và các nguyên liệu tự nhiên. Những giá trị đặc sắc của loại hình tranh dân gian này từ nội dung, màu sắc, nguyên liệu, cách làm... tất cả đều phảng phất hồn quê, phong vị Kinh Bắc, đi vào cuộc sống của người dân. Hiện nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị. Nhận thấy loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này đang đứng trước nguy cơ mai một, Chính phủ Việt Nam quyết định đề nghị đưa Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào Danh sách đề cử Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để UNESCO xem xét công nhận trong năm 2025.

Trước sự hiện diện của các vị Đại sứ, cơ quan ngoại giao tại trụ sở UNESCO, Thứ trưởng Ngô Lê Văn chia sẻ: Hôm nay, chúng tôi tự hào giới thiệu đến quý vị về tỉnh Bắc Ninh - vùng đất mang tính biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam, cái nôi sản sinh Dân ca Quan họ, một loại hình nghệ thuật đặc sắc ra đời từ tri thức, đạo đức và tập quán nhân văn của người Việt Nam. Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bắc Ninh cũng là quê hương của tranh dân gian Đông Hồ không chỉ có tính nghệ thuật, mộc mạc mà còn tượng trưng cho cuộc sống và công việc người Việt Nam.
Phát biểu chào mừng trình nghệ thuật “Việt Nam - Tinh hoa văn hoá và khát vọng vươn mình”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các nhà ngoại giao - những người đại diện cho văn hóa của các quốc gia, mong muốn nhận được sự quan tâm và ủng hộ trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Bắc Ninh đến với bạn bè quốc tế.

“Hãy cùng nhau xây dựng những nhịp cầu văn hóa, kết nối, lan tỏa, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa truyền thống, môi trường đầu tư hấp dẫn của tỉnh Bắc Ninh tới từng mảnh đất, từng con người trên thế giới, góp phần tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của quý vị để năm 2025 “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” được đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại”.
Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định: Chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh biểu diễn, các sản phẩm thủ công truyền thống tinh xảo do các nghệ nhân trực tiếp thực hiện hôm nay như một lời mời tới cộng đồng quốc tế: “Hãy cùng chúng tôi tham gia hành trình trải nghiệm đất nước Việt Nam vừa cổ kính, vừa hiện đại, thanh bình nhưng năng động, thấm đẫm các giá trị truyền thống đang hướng tới tương lai bằng sức mạnh của nền tảng văn hóa, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Với vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026, Việt Nam luôn chú trọng công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đã và sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên và các bên liên quan khác nhằm thúc đẩy việc thực hiện Công ước. Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh mong muốn các nước tiếp tục ủng hộ các hồ sơ đề cử khác của Việt Nam, để giáo dục, khoa học và văn hóa trở thành nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển xã hội toàn diện, bền vững hơn.
Đến với chương trình nghệ thuật “Việt Nam - Tinh hoa văn hoá và khát vọng vươn mình” các đại biểu được thưởng thức các làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngọt ngào, đặc sắc; các tiết mục độc tấu đàn bầu; trình diễn nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ, nặn phỗng đất, viết thư pháp…
Trong khuôn khổ chương trình, Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm đến từ làng tranh dân gian Đông Hồ, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành giới thiệu, trình diễn nghệ thuật làm tranh. Các tác phẩm: Chăn trâu thổi sáo, Vinh quy bái tổ, Vinh hoa, Phú quý… độc đáo từ nội dung tới màu sắc, vừa dung dị hồn quê, vừa mang giá trị giáo dục, nhân văn sâu sắc cuốn hút các đại biểu tham dự với niềm yêu thích đặc biệt.