Đây là kiến nghị của ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) tại Phiên thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng nay, 24.5.
Tránh xảy ra thiếu sót trong áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói
Đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đấu Thầu (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng: Dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này khá hoàn chỉnh đủ điều kiện thông qua, để sớm tháo giỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác đấu thầu thời gian qua.
Tại khoản 1 Điều 61 về điều kiện được xem xét đề nghị trúng thầu đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp quy định "có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu đã được phê duyệt". Về vấn đề này, đại biểu đề nghị phải làm rõ giá đề nghị trúng thầu là bao gồm tất cả các khoản chi phí và thuế của gói thầu, không xét đến giá của từng loại hàng hóa trong gói thầu. Vì thực tế có những gói thầu giá đề nghị trúng thầu không vượt quá giá dự toán đã được phê duyệt, nhưng có một số loại hàng hóa trong gói thầu thì cao hơn giá đã được phê duyệt, nếu chiếu theo quy định trên thì vẫn hợp lệ, có thể xem xét là trúng thầu.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay các cơ quan thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, ngoài việc xác định giá trúng thầu đúng quy định còn bóc tách giá của từng loại hàng hóa cấu thành trong gói thầu, so sánh với giá nhập khẩu để xác định mức độ tăng giảm của từng loại hàng hóa và làm căn cứ để xác định mức gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, giá đề nghị trúng thầu do doanh nghiệp tự quyết định hiện nay là chưa có quy định về kiểm soát giá trần đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ thuê tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp. Đây là một trong những điều bất cập trong thời gian qua. Do đó, Ban soạn thảo cần phải quy định rất rõ điểm này để các cơ quan thực hiện một cách thống nhất. Cùng với đó, cần giải thích “giá đề nghị trúng thầu” là thế nào, đại biểu đề nghị.
Dẫn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64: “Hợp đồng trọn gói được áp dụng đối với gói thầu mà tại thời điểm lựa chọn nhà thầu, phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện gói thầu được xác định rõ, ít có khả năng thay đổi về khối lượng, yêu cầu kỹ thuật, các điều kiện không lường trước được; gói thầu chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá nhưng các bên tham gia hợp đồng xác định được khả năng quản lý rủi ro, quản lý thay đổi phát sinh hoặc các tính chất, đặc điểm của sản phẩm đầu ra, bao gồm cả hợp đồng EPC và hợp đồng chìa khóa trao tay;”… đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng: Trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, các đơn vị có liên quan rất khó lường trước những thay đổi, phát sinh về khối lượng, yêu cầu kỹ thuật liên quan đến dự án.
Thực tế đó, đại biểu đề nghị quy định rõ việc áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói cần áp dụng cụ thể cho gói thầu mới, giá bao nhiêu và thời gian thực hiện hợp đồng là bao lâu để tránh xảy ra thiếu sót trong quá trình thực hiện… Đồng thời, cần nghiên cứu, bổ sung nội dung: “Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đơn giản; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ phải áp dụng hợp đồng trọn gói” và hạn mức của gói thầu quy mô nhỏ theo nghị định của Chính phủ.
Đề nghị bổ sung gói thầu hỗn hợp với giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng vào áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh
Về giá chào hàng cạnh tranh quy định tại Điều 24, đại biểu cho rằng: Trên thực tế tại các địa phương thường xuyên thực hiện nhiều công trình sửa chữa nhỏ, đơn giản với giá trị thiết bị của công trình không lớn, cần thiết thực hiện chung với công tác xây lắp để quá trình thi công công trình được thực hiện đồng bộ… Đại biểu đề nghị bổ sung gói thầu hỗn hợp với giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng vào trường hợp áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh.
Về mua sắm trực tiếp quy định tại Khoản 3, Điều 25 của dự thảo Luật: “Trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì được áp dụng mua sắm trực tiếp đối với nhà thầu khác nếu đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và giá theo hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó”.
Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, theo quy định này thì đối với gói thầu có hình thức lựa chọn nhà thầu là mua sắm trực tiếp, trường hợp nhà thầu đã trúng thầu trước đây không có khả năng thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì chủ đầu tư được chọn đơn vị khác có năng lực, kinh nghiệm thực hiện... “Với trường hợp này cũng tương tự như áp dụng hình thức chỉ định thầu dẫn đến không bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình lựa chọn nhà thầu”, đại biểu nhấn mạnh; đồng thời, đề nghị điều chỉnh thành: “Trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì Chủ đầu tư trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt theo quy định”.
Liên quan đến thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng, việc quản lý hợp đồng xây dựng thực hiện theo Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22.4.2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Thời gian thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến khi các bên đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng xây dựng đã ký (bao gồm thời gian bảo hành)… đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng: Quy định về thời gian thực hiện hợp đồng của gói thầu tại dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi chưa thống nhất với quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22.4.2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng… Do đó, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo cần điều chỉnh cho phù hợp và thống nhất trong quá trình thực hiện.