Sáng 25.10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi dự và chủ trì sơ kết Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.
Ít nhất 50% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình tăng cường tiếng Việt
Báo cáo Sơ kết Đề án Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 2.6.2016 của Thủ tướng Chính phủ, bà Cù Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non đã nêu bật một số kết quả thực hiện qua các giai đoạn 2016-2020 và từ 2021 đến nay.
Bộ GD-ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số theo Nghị định 06/NĐ-CP. Theo đó, giáo viên trực tiếp thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ tại các điểm lẻ vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được hỗ trợ một khoản kinh phí là 450.000 đồng/tháng.
Xây dựng ban hành Bộ tiêu chí tổ chức xây dựng và sử dụng môi trường tăng cường tiếng Việt trong các cơ sở Giáo dục mầm non có đông trẻ em người dân tộc thiểu số năm 2016. Triển khai tập huấn Hướng dẫn thực hiện Chuyên đề Tăng cường phát triển nghe nói, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt cho trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số vào năm 2019.
Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 Quy định chính sách phát triển Giáo dục mầm non.
Theo đó, hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non được tính trên số lượng trẻ em được ăn bán trú, tối thiểu bằng 2.400.000 đồng/tháng/45 trẻ em; tiếp tục hỗ trợ trẻ ăn trưa như Nghị định 06/2018/NĐ-CP mức 160.000 đồng/trẻ/tháng (tăng 11.000/trẻ/tháng); tiếp tục hỗ trợ giáo viên trực tiếp thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng khó khăn, mức 450.000 đồng.
Theo bà Cù Thị Thủy, mục tiêu chung của giai đoạn 2 là tập trung tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình Giáo dục mầm non, chuẩn bị tốt cho trẻ học chương trình giáo dục tiểu học;
Tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và phát triển bền vững đồng bào các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển đất nước.
Đến năm 2025 có ít nhất 20% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 30% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 50% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Sử dụng tiếng Việt cần gắn liền với cộng đồng dân cư, trong sinh hoạt ở mỗi bản làng
Nhấn mạnh giai đoạn 2 thực hiện đề án, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi lưu ý các địa phương cần tăng cường tiếng Việt trên cơ sở phát triển tiếng dân tộc với nhiều giải pháp cụ thể, chỉ tiêu phù hợp, chỉ tiêu cần thiết và thống nhất quan điểm trong chỉ đạo.
Thời gian tới, các bộ phận cần chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề nâng cao nhận thức, sự quan tâm, vào cuộc của gia đình, cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt trên cơ sở phát triển tiếng mẹ đẻ. Thực tế cho thấy, đa số trẻ miền núi khi về nhà hoặc giờ ra chơi đều giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ.
Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có khoảng 53% giáo viên là người dân tộc thiểu số; còn lại 47% giáo viên là người Kinh chỉ biết tiếng Việt. Khi dạy trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các thầy cô phải học và sử dụng tiếng dân tộc. Do đó, phải đẩy mạnh truyền thông để thấy việc tăng cường tiếng Việt trên cơ sở phát huy, bảo tồn tiếng dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng.
Nhấn mạnh tới yếu tố môi trường sử dụng tiếng Việt, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng phải tổ chức các hoạt động, tăng cường sử dụng các học liệu, đồ dùng đồ chơi để dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số. Trong chương trình Giáo dục mầm non cần có số tiết khung để dạy tiếng dân tộc, cộng với môi trường hoạt động phù hợp để học tiếng Việt thì đề án mới đạt được hiệu quả cao hơn.
"Môi trường sử dụng tiếng Việt cần gắn liền với cộng đồng dân cư, trong sinh hoạt ở mỗi bản làng song song với việc sử dụng tiếng dân tộc của trẻ. Để làm được điều này thì không chỉ riêng nhà trường, cả cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương cần chung tay vào cuộc", Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chỉ rõ.