Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai:
Thất thoát, lãng phí ngân sách rất lớn
Trước Phiên giải trình, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã làm việc với một số Bộ, ngành, các địa phương và các tập đoàn. Qua Báo cáo tổng hợp cho thấy, các cơ quan, đơn vị đều công nhận tính đúng đắn, kịp thời của Báo cáo Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, một số kết luận của KTNN rất đúng, nhưng chưa thể thực hiện được; một số kiến nghị chưa rõ ràng, một số kết luận chưa sát thực tế, chưa đủ căn cứ thuyết phục, thiếu tính khả thi. Do đó, Phiên giải trình là cơ hội tốt để KTNN giải trình những vấn đề này, làm rõ việc có hay không những kết luận không đúng pháp luật, chưa khả thi.
Cũng theo Báo cáo của KTNN, các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa được thực hiện tính đến ngày 31.3.2023 là 108.180,2 tỷ đồng. Rõ ràng ở đây có sự thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn thu ngân sách Nhà nước. Có những kiến nghị, kết luận của KTNN đến hơn 10 năm vẫn chưa thực hiện được. Theo Điều 11, Luật KTNN có quy định: “KTNN có quyền kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán về sai phạm trong báo cáo tài chính và sai phạm trong việc chấp hành pháp luật; đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN”. Tuy nhiên, về phía Quốc hội, nhiều năm qua, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chưa nhận được những kiến nghị mang tính cụ thể của KTNN đề nghị Quốc hội có biện pháp để xử lý những trường hợp không thực hiện, thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán. Vậy, KTNN đã thực hiện được yêu cầu theo quy định tại Điều 11, Luật KTNN hay chưa?
Cũng theo Báo cáo của KTNN, trong niên độ ngân sách năm 2021, KTNN đã có hơn 130 báo cáo kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm; tăng hơn nhiều so với năm 2020 - chỉ có 95 báo cáo kiến nghị kiểm điểm tập thể, cá nhân. Đề nghị KTNN làm rõ tổ chức, cá nhân nào đã xử lý và xử lý ở mức độ nào để các đại biểu có căn cứ đánh giá hiệu lực, hiệu quả của kết luận KTNN.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ:
Cơ quan nào làm "trọng tài" khi kết luận của KTNN khác với Thanh tra Chính phủ?
Thực tế thời gian qua cho thấy, các kết luận, kiến nghị của KTNN chưa được thực hiện nghiêm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của kết luận, kiến nghị của KTNN. Theo Khoản 12, Điều 10 Luật KTNN quy định: KTNN có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
Vậy KTNN đã chuyển bao nhiêu hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan chức năng khác. Câu chuyện về cơ chế phối hợp giữa KTNN với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư như thế nào? Có trường hợp kết luận của KTNN khác với kết luận của Thanh tra Chính phủ thì cơ quan nào đứng ra làm "trọng tài"?
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm:
Cần có cơ chế xử lý kết luận, kiến nghị không có tính khả thi
Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải rất nghiêm túc chấp hành, thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của KTNN. Tính riêng giai đoạn từ ngày 1.1.2016 – 31.12.2021, đã có 146 cuộc kiểm toán có liên quan đến Bộ Giao thông vận tải. Các kết luận của KTNN đều được Bộ tổng hợp và theo dõi tiến độ triển khai kết luận, kiến nghị của KTNN; có báo cáo về KTNN theo đúng quy định. Bộ cũng thực hiện kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có vi phạm theo các kết luận của KTNN. Từ đó đưa ra yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo kết luận của KTNN, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện được 33/35 nội dung theo kết luận của KTNN, đạt 94%; 2 kết luận còn lại của KTNN, Bộ đang gấp rút thực hiện, do nội dung này có liên quan đến kinh phí, lựa chọn đơn vị thực hiện, dự kiến trong năm 2024 sẽ hoàn thành 2 kết luận này.
Về xử lý tài chính, đến nay Bộ đã xử lý 16.695 tỷ/18.932 tỷ, đạt 88,2%, còn lại 2.237 tỷ đồng chưa thực hiện, chiếm khoảng 11,8%. Số liệu này trong Báo cáo của KTNN là 4.000 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo lại KTNN và khớp nối lại số liệu.
Có thể thấy, sự vào cuộc của KTNN đã góp phần quan trọng ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước. Qua kiểm toán đã chỉ ra nhiều quy định pháp luật còn chưa phù hợp, còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, các lĩnh vực khác về quản lý tài sản, tài chính.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị, KTNN xem xét ý kiến giải trình của các đơn vị được kiểm toán đối với những nội dung mà các cơ quan, đơn vị chưa thống nhất với kết luận, kiến nghị của KTNN. Có cơ chế xử lý đối với kết luận, kiến nghị kiểm toán không có tính khả thi và không thực hiện được. Tăng cường theo dõi xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận của KTNN theo Luật KTNN.