Trong tháng 7.2024, dự báo vẫn có thể xảy ra nắng nóng cực đoan tại miền Bắc; công suất cực đại toàn hệ thống có thể trên 52.000MW, riêng miền Bắc có thể lên trên 27.000MW. Sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức khoảng 920,5 triệu kWh/ngày, tăng 10,15% so với cùng kỳ năm 2023.
Để bảo đảm vận hành hệ thống ổn định, an toàn, tin cậy, theo EVN, cần huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc. Trong đó, theo dõi sát sao diễn biến khí tượng thủy văn, tình hình nhiên liệu, khả dụng tổ máy và tăng trưởng phụ tải để kịp thời cập nhật điều chỉnh phương thức vận hành phù hợp,
Song song với việc huy động tối ưu thủy điện nhằm vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia cũng theo dõi sát tình hình nước về từng hồ thủy điện, tính toán cập nhật phương thức vận hành hàng ngày nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước, vừa bảo đảm mục tiêu tích nước đến mực nước dâng bình thường vào cuối năm 2024 chuẩn bị cung ứng mùa khô 2025 vừa bảo đảm không suy giảm công suất khả dụng của các nhà máy thủy điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải.
Các Tổng Công ty Điện lực/Công ty Điện lực tiếp tục bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương để phân tích cơ cấu tỷ trọng thành phần phụ tải, dự báo nhu cầu điện nhằm xây dựng kế hoạch cung cấp điện hàng tháng/quý; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20 về việc tuyên truyền và thực hiện tiết kiệm điện.
Các Tổng Công ty Phát điện và các nhà máy điện tập trung theo dõi cung ứng than, chuẩn bị các phương án dự phòng, bảo đảm đủ nhiên liệu cho sản xuất điện và duy trì mức tồn kho dự phòng theo quy định. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Than Đông Bắc và chủ đầu tư các nguồn điện khác để bảo đảm cung ứng đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo nhu cầu hệ thống; tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà máy điện đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc để bảo đảm độ khả dụng, độ tin cậy của các tổ máy.
Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia chủ động rà soát, khắc phục, ngăn ngừa sự cố lưới điện, nâng cao độ tin cậy và giảm tổn thất điện năng; tăng cường giám sát và tuân thủ kỷ luật vận hành; các đơn vị chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Tập đoàn về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng phương án phòng, chống bão lụt, bảo đảm an toàn hồ đập và công trình thủy điện, an toàn cho vùng hạ du trong mùa mưa bão năm nay.
Trong tháng 7.2024, EVN tiếp tục đôn đốc các đơn vị tập trung lực lượng tại các công trường, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm. Theo đó, tập trung mọi nguồn lực, phối hợp với các bên liên quan để thi công khối lượng còn lại và hoàn thành toàn bộ công trình đường dây 500kV mạch 3 (từ Quảng Trạch đến Phố Nối).
Đối với các công trình lưới điện đang thi công phục vụ đấu nối nguồn điện, giải tỏa nguồn thủy điện và nhập khẩu điện, tập trung làm việc với các địa phương để giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; đôn đốc các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo trong năm 2024.
Để bảo đảm điện cho phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân trong mọi tình huống, đại diện EVN cho biết, cần sự chia sẻ, phối hợp của người dân và khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h00 đến 15h00) và tối (từ 19h00 đến 23h00). Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, chỉ bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26 - 27 độ C trở lên; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm. Việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm cũng giảm thiểu nguy cơ sự cố về điện và hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao.