Doanh nghiệp đứng trước nhiều thách thức, khó khăn
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch năm 2024, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, không ít doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn, trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả, việc hoàn thuế do dòng tiền về chậm khiến doanh nghiệp lao đao, sản xuất cầm chừng.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ, vốn, doanh nghiệp còn phải xử lý những bất cập trong nội tại của nền kinh tế, đó là thể chế, chính sách còn mâu thuẫn, điều kiện kinh doanh tồn tại nhiều rào cản, khó vượt.
Cũng theo đại biểu Thạch Phước Bình, trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhất là thời điểm cuối quý I.2023, lần đầu tiên xảy ra tình cảnh số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia và quay trở lại thị trường. Bình quân trong một tháng của quý I.2023 đã có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi có gần 20.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) thông tin, trong số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sử dụng nhiều lực lượng lao động, người phụ thuộc như giày dép, dệt may, đồ gỗ, điện thoại và linh kiện…
Đại biểu đánh giá, số doanh nghiệp đang tăng về cơ học, nhưng thị trường lao động chưa bền vững. Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch, tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí; giảm khoản đóng góp như thuế, cho doanh nghiệp vay trả lương, hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất
Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của công nghiệp hỗ trợ đối với sự phát triển kinh tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là chính sách để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Vì hiện nay trên cả nước có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp cơ khí chế tạo ở Việt Nam.
Việc đề ra những chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đầu tư vào công nghệ, thiết bị tiên tiến, lựa chọn phụ tùng, linh kiện cũng là một giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó, cần có hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước với nhau, có cơ chế để các nhà đầu tư, nhà thầu ưu tiên sử dụng các sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất hoặc đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước tiến hành sản xuất thay vì phải nhập khẩu.
"Có chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong nước như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, từ đó giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước nâng cao năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực đảm nhận được vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu," đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất.
Hiện cả nước có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động với doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.