Y tế cơ sở - 10 năm 3 lần thay đổi mô hình
Phát biểu trên hội trường chiều nay, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, trong giai đoạn dịch Covid-19, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng là mắt xích then chốt để kiểm soát tình hình, ngăn chặn dịch Covid-19, đồng thời cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
Theo đại biểu, tổ chức hệ thống y tế cơ sở thời gian qua chưa ổn định, trong 10 năm thay đổi 3 mô hình hoạt động, quản lý. Năng lực cung ứng dịch vụ còn hạn chế, hiệu quả hoạt động còn thấp. Cơ chế tài chính cho y tế cơ sở chưa phù hợp; đầu tư cho y tế cơ sở còn hạn hẹp; đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở còn thiếu, trình độ hạn chế và chế độ đãi ngộ chưa thực sự thỏa đáng. Thuốc và trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh. Người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở.
“Thực tiễn chứng minh nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện có sự khác nhau về số lượng và chất lượng về nhân lực y tế giữa khu vực điều trị và dự phòng, giữa các chuyên ngành của lĩnh vực y tế, giữa các vùng. Thiếu cán bộ y tế ở khu vực y tế dự phòng và một số chuyên khoa như phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh, xét nghiệm, cận lâm sàng...
Việc đào tạo, cập nhật thường xuyên về kiến thức, kỹ năng y khoa còn hạn chế; nhiều nơi không có nhân lực đủ trình độ chuyên môn để thực hiện dịch vụ. Cơ cấu nhân lực tại trạm y tế xã còn chưa đầy đủ và phù hợp… Tỷ lệ nhân viên y tế thôn bản được đào tạo trên 3 tháng theo quy định mới đạt khoảng 57%.
Bên cạnh đó, chế độ chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng, chưa tạo ra sự khác biệt lớn để khuyến khích cán bộ y tế về tuyến cơ sở. Quy định về người hoạt động không chuyên trách ở thôn bản không còn được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước làm ảnh hưởng đến hoạt động của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản.
Chiến lược hiệu quả nhất
ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, đầu tư cho y tế cơ sở gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng là chiến lược chăm sóc sức khỏe đỡ tốn kém, hiệu quả lâu dài và bền vững nhất.
Để hoàn thành được các mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đại biểu đề nghị cần có nghiên cứu đánh giá cụ thể hơn về các chính sách, cơ chế và sự đáp ứng về nguồn lực tác động lên hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng ở các mô hình đã thay đổi trong thời gian qua. Đặc biệt, cần tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư khóa 9 về việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
Cùng với đó, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy và mô hình quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; đảm bảo vai trò là người gác cổng của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế. Thực hiện chủ trương trạm y tế xã phân bố theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính. Thực hiện chăm sóc sức khoẻ liên tục, toàn diện, gắn nâng cao sức khỏe, phòng bệnh với chữa bệnh và phục hồi chức năng; kết hợp y dược học hiện đại với y dược học cổ truyền…
Đồng thời, cần đổi mới phương thức hoạt động của y tế cấp xãchăm sóc sức khỏe cho người dân theo hướng thực hiện chăm sóc sức khỏe hướng tới phòng bệnh; ứng dụng y học gia đình để nâng cao hiệu quả mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Theo ĐBQH Trần Khánh Thu, ngân sách nhà nước cần tập trung cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Cụ thể là tăng định mức phân bổ kinh phí và tăng tỷ trọng chi cho chăm sóc sức khỏe ban đầu từ nguồn ngân sách nhà nước cho y tế tuyến huyện, xã và đầu tư cho y tế dự phòng.
Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở theo hướng dựa trên kết quả đầu ra. Đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế cho y tế cơ sở theo hướng phối hợp các phương thức chi trả để khuyến khich cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Có cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở. Mở rộng hình thức nhà nước đặt hàng và kết hợp công tư trong cung cấp dịch vụ y tế công cộng.
Đại biểu cũng đề nghị có các chính sách mạnh mẽ và đồng bộ, đãi ngộ cho cán bộ y tế khuyến khích nhân lực có trình độ chuyên môn làm việc và gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở. Các chức danh: Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2... Cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn liên tục cho nhân lực y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt ở khu vực khó khăn; đổi mới chương trình đào tạo theo cách tiếp cận dựa trên năng lực và nhóm làm việc đa chuyên ngành.
Về chính sách hưởng chế độ phụ cấp Y tế cơ sở tại Trung tâm Y tế, trạm Y tế tuyến xã theo Nghị định 05/NĐ-CP ngày 15.2.2023: Đề nghị cho hưởng phụ cấp ưu đãi 100% đối với tất cả cán bộ viên chức đang làm việc tại tuyến này.
Hiện nay 1 số trường công lập đào tạo khối ngành sức khỏe đang hoạt động tự chủ nên nguồn kinh phí từ nguồn học phí, do vậy việc tăng học phí khối ngành sức khỏe trong khi thời gian học dài gây tăng áp lực lên người học và gia đình. ĐBQH Phạm Khánh Thu đề nghị Chính phủ cần có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở…