Kế thừa truyền thống
Nhà điêu khắc Châu Trâm Anh (Bình Dương) tâm sự, mảng đề tài yêu thích và thể hiện nhiều nhất của anh là về lịch sử dân tộc, chân dung các anh hùng cách mạng, phong cảnh, văn hóa truyền thống... Anh cho rằng lịch sử dân tộc rất oai hùng nhưng cũng rất nên thơ mà bản thân nó đã là những tác phẩm nghệ thuật.
Những người lính hy sinh cho Tổ quốc, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những mốc son lịch sử của đất nước hay những trầm tích văn hóa ngàn đời... đều là nguồn cảm hứng để Châu Trâm Anh tạo tác.
Hay nhà điêu khắc Lê Văn Khuy (Hưng Yên) sinh ra, lớn lên ở miền quê đồng bằng Bắc Bộ, nơi có những câu ca dao, những sự tích, truyền thống văn hóa đậm đặc...
Tất cả đi vào tiềm thức anh một cách tự nhiên, để rồi trở thành nguồn cảm hứng bất tận. Đặc biệt, gốm cổ truyền là chất liệu chính trong rất nhiều tác phẩm của Lê Văn Khuy, như một sự tri ân với đất.
Cả hai nghệ sĩ trên đều giành giải Nhì (không có giải Nhất), tại Cuộc thi và Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốctổ chức tháng 9 vừa qua (nhà điêu khắc Châu Trâm Anh với tác phẩm Tình ca phương Nam, nhà điêu khắc Lê Văn Khuy với tác phẩm Trời tròn đất vuông).
Lấy cảm hứng từ truyền thống cũng là cách thức để nhiều nghệ sĩ điêu khắc thể hiện trong các tác phẩm của mình.
Nhìn rộng ra các tác phẩm điêu khắc những năm qua, nhiều ý kiến đánh giá đó giống như lời hồi đáp sự kỳ vọng của thế hệ đi trước. Theo thời gian, các nghệ sĩ Việt đã khoác lên nghệ thuật điêu khắc diện mạo mới, phá cách, hội nhập, mang dấu ấn thời đại nhưng không bỏ quên những giá trị thuộc về quá khứ, truyền thống.
Nói như Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn khi nhìn vào thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của các nhà điêu khắc Việt Nam từ năm 2013 - 2023. "Nhìn kỹ vào từng tác phẩm sẽ thấy có sự kế thừa, đó là kế thừa từ truyền thống, người đi trước nhưng kể theo câu chuyện mới của ngày hôm nay".
Chuyển mình bứt phá
Nhìn sâu vào từng tác phẩm sẽ thấy điêu khắc hiện nay vẫn là ngôn ngữ truyền thống nhưng có cách khai thác khác, chất liệu khác, không chỉ phản ánh đời sống nội tâm của nghệ sĩ mà còn phản ánh đời sống của người Việt đương đại.
Đơn cử tác phẩm Trời tròn đất vuông của Lê Văn Khuy khởi sinh từ dòng ký ức mộc mạc mà tươi đẹp nơi làng quê, gắn vời hình ảnh ví von của ông cha. Anh mượn chính đề tài đó để nói về cuộc sống hối hả, gấp gáp ngày nay.
Do chạy theo thời cuộc, vật chất và những xô bồ, tất bật ngoài kia mà có lúc người ta quên đi những thứ tưởng đơn giản nhưng trân quý, ý nghĩa biết bao, đó là gia đình - hạnh phúc đích thực của đời người.
Tác phẩm này cũng là lần đầu tiên anh thử nghiệm điêu khắc nền gỗ và composite-loại nhựa cốt sợi thủy tinh, phủ bề mặt sơn mài, như một cách tìm tòi, đồng thời mở ra một hướng đi giàu tính thử nghiệm trong tương lai.
"Vẫn trên nền khai thác truyền thống, nhưng qua thử nghiệm, tôi đầy cảm xúc bất ngờ, lý thú, thấy như làm mới mình, như được phiêu lưu đến vùng đất mới".
Tiếp nối tinh thần cha ông và phát triển nền nghệ thuật nước nhà theo cách của riêng mình, đó dường như là con đường mà nhiều nghệ sĩ điêu khắc Việt đang hướng đến.
Các tác phẩm của họ có thể mang những ý niệm về các vấn đề của xã hội, hoặc chỉ đơn giản là cảm xúc của cá nhân nghệ sĩ giữa đời sống đương thời, song đều có tính gợi mở suy nghĩ về truyền thống - hiện đại, về sự chuyển tiếp của nghệ thuật, của đời sống.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, "một thế hệ nhà điêu khắc mới đã và đang trưởng thành với tư duy sáng tạo, nỗ lực tìm tòi thể nghiệm trên các chất liệu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa".