Nơi giao thoa văn hóa
Romania cũng giống như Việt Nam đã trải qua những biến động dữ dội của lịch sử. Con người đã có mặt ở đây từ thời tiền sử 40.000 năm trước. Họ đã lập nên Vương quốc Dacia vào năm 513 (TCN). Đã có thời Dacia là một quốc gia hùng mạnh đe dọa cả đế quốc La Mã. Vùng Transilvania bị nhập vào Bulgaria (1018) rồi sau đó thuộc Hungary (thế kỷ X và XI) đến thế kỷ XVI mới tách ra thành một tỉnh độc lập.
Nằm lọt giữa vòng cung của dãy núi Karpat dài 1.800km rộng đến 500km xung quanh núi là Ba Lan, Slovakia, Serbia, Ukraine, Romania ôm trọn châu thổ sông Danube đổ xuống Hắc Hải. Với nền văn hóa La Mã cổ đại lại nằm ở phía Nam Âu là nơi giao lưu của tất cả các nền văn hóa, Romania có hầu hết các nền văn minh nhân loại, tạo nên kho tàng và truyền thống văn hóa giàu có và đa dạng. Lịch sử qua đi, các triều đại và thể chế chính trị thay đổi nhưng văn hóa thì còn mãi.
Nhiều công trình nổi tiếng
Lâu đài Peles, công trình văn hóa với phong cách Baroque độc đáo, là một bảo tàng vũ khí thời trung cổ với kiến trúc đặc biệt của châu Âu, Neo-gothic và Phục hưng pha trộn lẫn nhau. Rộng tới 3.200m2 được trang trí cầu kỳ, tinh xảo, lâu đài được xây dựng từ năm 1873 do kiến trúc sư người Đức Viennese Wilhem Doderer thiết kế. Đây là lâu đài đầu tiên ở châu Âu có lò sưởi dùng điện, có 160 phòng, trong đó lưu giữ tranh của nhiều danh họa thế giới. Hiếm có bảo tàng nghệ thuật nào trên thế giới 300 tuổi mà vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu, cả cái tên Bran, như lâu đài Peles.
Lâu đài Dracula được xây dựng từ năm 1212 gắn với tên tuổi Bá tước Dracula - Ma hút máu của Transilvania. Thực tế, đó là hình bóng nhân vật lịch sử Vlad Tepes đã trị vì Muntenia ở thế kỷ XV. Lâu đài Dracula càng nổi tiếng hơn nhờ nhà văn người Anh Bram Stocker với tác phẩm Dracula từ thế kỷ XIX. Lâu đài Dracula với kiến trúc thời trung cổ được các thương gia thành phố Brasov xây nên và tặng Nữ hoàng Maria từ năm 1920. Năm 1948 nhà nước quản lý, đuổi con cháu Hoàng tộc ra nước ngoài. Lâu đài đổ nát, hoang tàn, sau năm 1989 mới được trùng tu, rạng rỡ trong sương mù của núi Cacpat thu hút hàng vạn khách du lịch đến thăm.
Khi thế giới mở ra du lịch hang động (Geopark) thì người ta mới giật mình, hóa ra Romania đã có từ lâu. Mỏ muối Salina ở thành phố Turda đã có từ thời cổ đại, như một mê cung nằm sâu dưới lòng đất, khai thác mãi đến đầu thế kỷ XX mới hết. Mỏ muối được giữ nguyên, năm 1992 được quy hoạch như một công viên và bảo tàng dưới lòng đất, sâu tới hàng trăm mét, phải lên xuống bằng băng chuyền hoặc thang máy, nếu đi bộ thì phải xuống 172 bậc để có thể đánh tenis, chèo thuyền, bơi lặn trong hồ nước sâu dưới lòng đất.
Ngôi nhà của nhân dân
Trước khi bị lật đổ năm 1989, Nicolae Ceaucescu để lại một công trình văn hóanguy nga đồ sộ vào hạng nhất nhì thế giới. Đây là Nhà Quốc hội Romania, được xây dựng trên đồi Spirii với tên gọi “Ngôi nhà của nhân dân” (Casa poporului) do nữ kiến trúc sư Anca Petrescu thiết kế lúc cô mới 28 tuổi, được khởi công từ năm 1984, đến năm 1989 cơ bản hoàn thành, trước ngày vợ chồng Ceaucescu bị xử bắn với câu nói để đời: “Chỉ có nhân dân Romania mới có quyền phán xét tôi”. Khuôn viên rộng 365.000m2, dài 270m, rộng 240m, cao trên mặt đất 86m, sâu dưới mặt đất 92m, tòa lâu đài có 12 tầng nổi và 8 tầng chìm, có cả hầm chống bom nguyên tử.
Trong 6 năm, 100.000 công nhân làm việc suốt ngày đêm với 700 kiến trúc sư, phải giải tỏa 3.000 hộ dân. Tòa lâu đài có đúng 1.000 phòng (400 phòng làm việc, 30 cung hội nghị, 3 thư viện). Có hội trường rộng đến hàng trăm mét vuông, cao bằng tòa nhà 7 tầng được mạ vàng thật. Riêng thảm trải tòa lâu đài là 24ha. Nhà Quốc hội Romania xứng đáng là kiệt tác văn hóa để loài người chiêm ngưỡng.
Mối quan hệ khăng khít với Việt Nam
Romania và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1956, nhưng trước đó, năm 1953, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác đã dẫn đầu đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đến Bucarest dự Đại hội đại biểu thanh niên thế giới. Cũng năm đó bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, những thanh niên ưu tú trở về từ Bucarest tiếp tục tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ đã đặt tên cho một quả đồi ở đó là “Đồi Bucarest”. Tháng 10.1957, Bác Hồ đã sang thăm nhân dân Romania.
Ngay từ những năm 60 thế kỷ trước, văn học Romania qua bản dịch tiếng Pháp đã ào ạt sang Việt Nam. Người dịch nhiều nhất và dịch tốt nhất là Tuấn Đô với toàn bộ kịch của Caragiale. Tiểu thuyết Sadoveanu, Rebreanu, Zaria Stancu và nhiều nhà văn, nhà thơ khác cũng đã được dịch sang tiếng Việt.
Về sau này có thêm Thơ Mihail Eminescu - ngôi sao sáng nhất của văn học Romania và là nhà thơ lãng mạn cuối cùng của văn học lãng mạn châu Âu, do Phạm Viết Đào dịch. Thơ Tudor Arghezi, tiểu thuyết hiện đại Thành phố trên sông Muret của Francis Munteanu, Xã hội họcvăn học của Lucien Goldman, Văn học dân gian của Arthur Gorvei do Lê Đình Cúc dịch, Người đá (nhiều tác giả) do Lê Đình Cúc và Bùi Phương Lan dịch, Truyện cổ tích Rumani do Lê Đình Cúc và Đào Duy Hiệp dịch. Thi pháp Chủ nghĩa hậu hiện đại do Lê Nguyên Cẩn dịch… Tác phẩm của nhà khoa học, nhà văn Ion Ionescu cũng đã được dịch ở Việt Nam. Năm 2005 Nhật ký trong tù của Bác Hồ được dịch sang tiếng Romania. Truyện Kiều của Nguyễn Du và Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ). Nhật ký Đặng Thùy Trâm và nhiều tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại cũng được dịch sang tiếng Romania.
Romania đã đào tạo cho Việt Nam gần 4.000 sinh viên thuộc tất cả ngành khoa học. Trong số đó sau này nhiều người trở thành nhà khoa học và quản lý thành đạt. Hiện nay có hơn 1.000 người Việt Nam sinh sống ổn định ở Romania với những đóng góp không nhỏ về kinh tế và văn hóa cho cả hai nước.
Hiện đại song vẫn đậm chất lịch sử
Romania hôm nay vẫn như một công viên với những di tích lịch sử và văn hóa, các lâu đài, nhà thờ, pháo đài và công trình nghệ thuật. Các nhà điêu khắc, các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học và nghệ sĩ được tạc tượng và đặt tên phố cùng với danh nhân trong lịch sử.
Đường phố rộng thênh thang không khói bụi, ít tắc đường. Ngay cả Bucarest có đến 2 triệu xe ô tô nhưng không nghe thấy tiếng còi, ngày đêm không có bóng cảnh sát. Cả nước Romania không một trạm thu phí BOT. Rừng, cây xanh được bảo vệ tuyệt đối. Các cửa hàng, siêu thị đầy ắp hàng hóa nhưng không nơi nào bán túi nylon đựng hàng, ai đi mua hàng cũng phải mang theo túi đựng, để hạn chế tối đa rác thải.
Trên tất cả vẫn là tấm lòng người dân Romania. Thân ái, hiền lành, nhân hậu, nhiệt tình và trung thực. Với bề dày văn hóa phong phú, dù Romania chưa phải nước phát triển về kinh tế ở châu Âu nhưng nền tảng xã hội ổn định và đang trên đà phát triển.