Doanh nghiệp nội chịu ảnh hưởng như thế nào?
Hiện đang có nhiều quan điểm, ý kiến, đề xuất khác nhau về phương pháp tính thuế TTĐB đối với rượu, bia. Theo Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khi điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách hướng tới 3 mục tiêu: Điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người; đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định, bền vững; đảm bảo công bằng xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước. Như vậy, chính sách mới được ban hành cần thiết phải đảm bảo hài hòa cả ba mục tiêu nêu trên.
Thực tế trong thời gian qua cho thấy ngành bia đang phải chống chọi với nhiều khó khăn do những hệ luỵ của dịch bệnh Covid-19, các tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới (xung đột Nga-Ukraina) và một số cơ chế chính sách quản lý thắt chặt liên quan đến ngành (gồm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Những yếu tố này khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia sụt giảm, tốc độ tăng trưởng âm, gây nhiều khó khăn, thách thức cho ngành.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, đã có một số ý kiến góp ý đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp hoặc tuyệt đối đối với sản phẩm rượu bia. Phương pháp này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhưng khi xem xét trong điều kiện đặc thù của ngành bia rượu trong nước đây chưa phải thời điểm phù hợp, ít nhất trong giai đoạn 8-10 năm tới.
Cụ thể, phương pháp hỗn hợp hoặc tuyệt đối sử dụng cách tính thuế tuyệt đối trên số lít sản phẩm mà không phụ thuộc vào giá bán ra, theo đó sẽ khiến giá sản phẩm bia phổ thông/bia địa phương giá thấp (chủ yếu là các sản phẩm bia nội thương hiệu Việt) tăng với tỉ trọng cao hơn so với tỉ trọng tăng giá của các sản phẩm bia thương hiệu quốc tế thuộc phân khúc trên phổ thông giá cao, dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp sản xuất bia nội mang thương hiệu Việt không thể bán được sản phẩm, không cạnh tranh được với các hãng bia ngoại, dần dẫn tới đóng cửa, phá sản.
Theo thống kê hiện nay, ước tính 80% thị phần tiêu thụ là các loại bia phổ thông và bia địa phương. Theo đó, việc thay đổi phương pháp tính thuế như vậy có thể sẽ dẫn đến các hệ lụy khôn lường, khiến các sản phẩm bia thương hiệu Việt không còn chỗ đứng trên thị trường.
Cần có chính sách, lộ trình phù hợp cho ngành đồ uống có cồn trongnước
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh cho rằng, phương pháp tuyệt đối hay hỗn hợp phù hợp với các quốc gia đã phát triển, nơi mà các dòng sản phẩm bia rượu không có khác biệt nhiều về giá trong khi thu nhập bình quân đầu người tương đối cao. Vì vậy không tạo quá nhiều sức ép cho các doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn mà vẫn đạt được mục tiêu giảm sử dụng bia rượu, đồng thời tăng ngân sách nhà nước.
Ngược lại, phương pháp tương đối đánh thuế theo kiểu luỹ tiến, áp dụng tỷ lệ phần trăm thuế suất trên giá bán, theo đó sẽ thích hợp hơn với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi thị trường đồ uống có cồn có các dòng sản phẩm với giá bán tương đối khác biệt, hành vi tiêu dùng phân loại rõ rệt theo thu nhập và giá sản phẩm (sản phẩm càng cao cấp, thuế đánh càng nhiều).
Trong khi đó, nếu Chính phủ tiếp tục duy trì phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay, đồng thời có cân nhắc lộ trình tăng thuế suất một cách hợp lý, thì một mặt vẫn có thể đảm bảo được nguồn thu ngân sách ổn định, điều tiết tiêu dùng, mặt khác vẫn góp phần duy trì sức cạnh tranh của các thương hiệu bia Việt đang chiếm tỉ trọng chính trong cơ cấu tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng như cơ cấu của ngành đồ uống có cồn Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết.
Khi xem xét sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, theo bà Quỳnh Anh, các nhà chính sách cần đánh giá tác động của từng đề xuất một cách thấu đáo và toàn diện, để từ đó lựa chọn hướng sửa đổi phù hợp nhất với bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện tại, hỗ trợ các doanh nghiệp bia nội vượt qua khó khăn, dần phục hồi sản xuất kinh doanh để tạo sự phát triển bền vững lâu dài.
Đối với đề xuất sửa đối thuế TTĐB đối với sản phẩm bia, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng thời điểm này chưa thích hợp để áp dụng phương pháp hỗn hợp hay tuyệt đối, vẫn nên duy trì phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và cân nhắc điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình phù hợp.
"Để tăng thu ngân sách, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ các sản phẩm chính thống, cần rà soát lại các chính sách liên quan cũng như tăng cường công tác thực thi pháp luật, quản lý nhà nước đối với các sản phẩm rượu bia không chính thức như rượu tự nấu thủ công, rượu bia giả/nhái, rượu bia không nhãn mác, rượu bia nhập lậu. Quản lý chặt chẽ hơn nữa nhóm sản phẩm rượu bia không chính thức để tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và đạt được các mục tiêu thu ngân sách cũng như vì sức khỏe cộng đồng", Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh cho biết.