Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến công du đến hai nước châu Phi gồm Nigeria và Ghana, cùng thời điểm Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng có chuyến công du hai quốc gia châu Phi khác là Tanzania và Zambia. Trong vòng 2 năm qua, đây là lần thứ 3 Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến châu Phi. Và không chỉ riêng ông Scholz, hàng loạt quan chức Đức cũng liên tiếp có những chuyến thăm lục địa này. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck đã đến thăm Namibia và Nam Phi vào hồi tháng 12 năm ngoái. Tiếp theo, cùng trong tháng 2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Christian Lindner tới Mali và Ghana; Bộ trưởng Bộ Lao động Hubertus Heil và Bộ trưởng Hợp tác Svenja Schulze đã đến thăm Ghana và Bờ Biển Ngà. Hàng loạt chuyến thăm đến châu Phi cho thấy Đức đang đặt lục địa này là trọng tâm cho chiến lược kinh tế mới của mình.
Mục tiêu năng lượng
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, cho đến nay nền kinh tế hàng đầu châu Âu này vẫn đang phải đối mặt với bài toán tìm nguồn cung năng lượng mới. Và nhu cầu này, lại một lần nữa trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi căng thẳng địa chính trị ngày một leo thang tại Trung Đông. Trước tình trạng khó khăn này, Đức đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế và châu Phi được xem như lời giải cho bài toán này.
Lục địa này đang sở hữu lượng khoáng sản và tài nguyên thô lớn bậc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Trong thời gian dài sắp tới, không chỉ riêng Đức mà các nước châu Âu sẽ đều phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô cần thiết từ châu Phi, cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại châu lục. Các nguyên liệu điển hình có thể kể tên như lithium hay coban.
Nigeria sở hữu nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt, thủy điện và năng lượng mặt trời dồi dào, có tiềm năng tạo ra 12.522 megawatt điện từ các nhà máy hiện có. Hơn nữa, Nigeria cũng đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ, dù giàu tiềm năng nhưng hiện chỉ đóng góp chưa đến 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước. Theo đó, nhân chuyến thăm và làm việc tại Nigeria, Đức mong muốn đa dạng hóa các đối tác thương mại và mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng lên tới 50%, từ 2 tỷ lên 3 tỷ euro.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra lời đề nghị muốn đầu tư vào lĩnh vực khí đốt và các khoáng sản quan trọng ở Nigeria. Các doanh nghiệp đi cùng ông trong chuyến thăm lần này quan tâm đến việc ký kết và xúc tiến các thỏa thuận mới ở Nigeria. Thủ tướng Đức cho biết, Nigeria là một thị trường, cũng như là đối tác quan trọng đối với nền kinh tế Đức; và Đức hoan nghênh việc Nigeria đang nỗ lực mở rộng công suất khai thác khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đồng thời cho rằng hợp tác về năng lượng là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ đối tác giữa hai nước; ông Olaf Scholz bày tỏ Đức muốn đạt được tiến bộ toàn diện trong việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Vào năm ngoái, Bộ Phát triển Đức đã cam kết hỗ trợ 100 triệu euro cho Nigeria trong 2 năm để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ nông nghiệp, mở rộng lĩnh vực năng lượng tái tạo và thúc đẩy việc làm cho phụ nữ. Về phần mình, Tổng thống Nigeria cho biết, ông đã có cuộc thảo luận rất sâu sắc về vấn đề khí đốt và khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào các tuyến đường ống ở quốc gia châu Phi này. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí sẽ thúc đẩy trao đổi các chuyến thăm cấp cao và nghiên cứu củng cố các cơ chế hợp tác song phương trong thời gian tới, thống nhất phối hợp thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các công ty Đức gần như chưa thể tận dụng được cơ hội hiện có ở châu Phi, bởi các vấn đề chính trị bất ổn trong khu vực. Do đó, bên cạnh hợp tác năng lượng và kinh tế, một trong những trọng tâm của chuyến thăm châu Phi của các nhà lãnh đạo Đức là tìm ra một môi trường đầu tư ổn định và lâu dài cho nước nhà. Ghana và Nigeria là 2 quốc gia mà Thủ tướng Olaf Scholz đặt nhiều kỳ vọng vào. Nigeria là quốc gia đông dân nhất trên lục địa và là quốc gia sản xuất khí đốt; trong khi đó, Ghana được coi là nơi đầu tư an toàn của các công ty Đức.
Bài toán di cư
Trong thời gian gần đây, làn sóng di cư đang khiến Liên minh châu Âu (EU) phải đau đầu; và người dân Đức cũng đang lo lắng vấn đề này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ trong trường hợp nước này phải đón nhận một lượng lớn người di cư trong thời gian tới. Song, điều đó không cản bước nước Đức trong cuộc chạy đua đến châu Phi mà ngược lại, Đức lại càng phải tăng tốc trong vấn đề tiếp cận lục địa này.
Dòng người di cư đổ dồn về châu Âu là điều không thể tránh khỏi và việc tiếp cận châu Phi sớm hay muộn cũng không thể thay đổi được thực tế này. Tuy nhiên, Đức có thể chủ động tiếp nhận dòng người di cư nếu quốc gia này có thể thiết lập được mối quan hệ hợp tác kinh tế với các nước châu Phi. Và thay vì phải bất đắc dĩ chấp nhận những người di cư không có trình độ cũng như khả năng lao động, thì với các thỏa thuận hợp tác, Đức có thể đẩy nhanh quá trình hồi hương của người di cư không đủ điều kiện xin tị nạn và ưu tiên nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề từ lục địa này.
Việc tiếp cận nhanh chóng và xây dựng các nhà máy hay các công ty sẽ giúp các nước ở châu Phi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của người dân, giúp họ sớm thoát khỏi cảnh đói nghèo. Qua đó làm giảm nhu cầu di cư và xin tị nạn, dòng người di cư sẽ là tầng lớp trí thức có trình độ phát triển hơn. Điều này lại càng giúp cho Đức giải quyết được vấn đề thiếu thốn nhân lực trong thời gian qua.
Ngoài ra, nếu so với các nước như Mỹ, Trung Quốc hay Nga, chiến lược châu Phi của Đức lại khá muộn. Các cường quốc trên đều đã ít nhiều gây được ảnh hưởng to lớn trên lục địa và hầu như đã chia cắt xong các lĩnh vực thế mạnh của mình. Việc Đức chần chừ và chỉ giữ nguyên tâm lý sẽ chỉ đầu tư khi chắc chắn thì sẽ chỉ làm tình hình ngày một khó khăn hơn cho các doanh nghiệp Đức trong công cuộc chinh phục châu Phi, trong khi quốc gia này có nhiều thế mạnh về công nghiệp dù không phải là tuyệt đối.
Chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa
Chuyến thăm lần này của các lãnh đạo hàng đầu của Đức không chỉ là cơ hội để giúp quốc gia này xóa bỏ những hiềm khích về một chế độ thực dân cũ với các nước châu Phi, mà còn là cơ hội để cho Đức có thể tạo ra một kiểu hợp tác mẫu. Thông qua chuyến thăm, Thủ tướng Olaf Scholz muốn khẳng định với các nhà lãnh đạo châu Phi rằng, quốc gia này nghiêm túc trong việc mở ra một chương mới trong hợp tác hai bên và hướng tới nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp để thảo luận về những thách thức chung như an ninh, di cư, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu. Hơn nữa, ông Olaf Scholz mong muốn được tham khảo ý kiến một số đối tác quan trọng của Đức tại châu Phi với nỗ lực tạo nên một hành lang an toàn.
Với việc có được sự hậu thuẫn, Thủ tướng Đức cùng các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Phi sẽ nắm chắc hơn trong việc thúc đẩy sáng kiến "Thỏa thuận với châu Phi" hướng đến mở ra cơ hội đầu tư bền vững vào nhiều ngành ở châu Phi, bao gồm cả kết cấu hạ tầng. Những sự thành công đến từ lần hợp tác này sẽ là ví dụ tốt nhất cho các nước tham dự Hội nghị Berlin giữa các nước châu Phi và G20 vào tháng 11 tới, có thể tham khảo cũng như cân nhắc về việc tiến đến các thỏa thuận hợp tác với Đức.