Minh bạch trong quản lý, sử dụng tiền công đức

Quản lý chặt chẽ để xây dựng lòng tin

- Thứ Hai, 27/03/2023, 06:09 - Chia sẻ

Với niềm tin nơi thờ tự, công đức hay đóng góp cho hoạt động lễ hội đều là sự tự nguyện của nhân dân. Tuy nhiên, khi việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội bị chi phối bởi nhiều yếu tố của kinh tế thị trường, đòi hỏi việc thu - chi nguồn tiền này cần được quản lý theo hướng minh bạch, công khai.

Mỗi nơi quản lý, sử dụng tiền công đức một kiểu

Đến phủ Tây Hồ (Hà Nội) vào ngày đầu tháng 2 âm lịch, lượng khách khá đông, các mâm lễ rải nhiều tiền lẻ, nhà đền cử người thường xuyên thu gom xung vào hòm công đức. Chị Đinh Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hàng tháng chị đều đến phủ cầu tài lộc. “Tôi thường đặt tiền giọt dầu, không chỉ mong thể hiện lòng thành kính và tích thêm công đức cho bản thân và gia đình, mà còn muốn góp phần kinh phí nhang khói, hương hoa lễ quả, tu bổ, sửa sang đền”.

Thường xuyên đi lễ và công đức tại các cơ sở thờ tự, anh Hoàng Minh Giang (Mỹ Lộc, Nam Định) cho rằng: “Khi đặt tiền lễ, ai cũng mong muốn số tiền đó được dùng để làm việc thiện. Tôi từng nghe một số nơi để tiền công đức bị thất thoát, hay làm lợi cho một số cá nhân, nên cũng có chút băn khoăn, bởi những đồng tiền xuất phát từ tấm lòng, mang theo niềm tin của mọi người lại không được sử dụng đúng mục đích...”.

Hiện nay, cùng với nhu cầu tâm linh và sự phát triển của xã hội, các di tích đình, đền, chùa, phủ... không chỉ là nơi hành lễ mà còn là địa điểm du lịch. Hàng năm, đặc biệt là vào dịp đầu xuân, lượng người tham quan, lễ bái tại các cơ sở thờ tự khá lớn. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng gần 9.000 lễ hội và gần 60.000 di tích văn hóa, có những di tích, lễ hội hàng năm đón cả triệu lượt khách. Chùa Bái Đính (Ninh Bình) ngày cao điểm đón tới 150 nghìn lượt khách; chùa Hương (Hà Nội) cũng đón vài chục nghìn lượt khách. Những nơi thu hút đông đảo khách đến lễ nhất là dịp đầu năm còn có: Khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), Khu du lịch chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang)... Với số lượng di tích, lễ hội và du khách như vậy, tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội hàng năm trên cả nước là khá lớn.

Thời gian qua, việc quản lý, sử dụng nguồn công đức được áp dụng khác nhau tùy mỗi địa phương. Nơi do Ban quản lý di tích quản lý, nơi do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, nơi do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, lại có những nơi việc tiếp nhận, quản lý, chi tiêu tiền công đức được giao cho thủ nhang, thủ đền… Nhiều trường hợp, người công đức ghi phiếu công đức, bỏ tiền vào hòm công đức hay có trường hợp đưa trực tiếp cho thủ nhang, thủ đền…

Nhiều địa phương, ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tiền công đức, cũng như bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang trong di tích theo quy định; bố trí lực lượng thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời. Tuy nhiên, tại một số điểm di tích vẫn còn tình trạng lộn xộn trong thu - chi tiền công đức, thậm chí tiền công đức rất lớn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đơn cử cuối năm 2022, vụ mất gần 6 tỷ đồng tiền công đức ở cụm di tích Gia Thượng (Long Biên, Hà Nội) gây xôn xao dư luận. Trước đó là vụ sử dụng tiền công đức không đúng quy định tại An Dương, Hải Phòng, hay mất cắp tiền công đức tại các cơ sở thờ tự ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Có nơi, tiền công đức chưa được quản lý chặt chẽ - Ảnh: VnEconomy
Có nơi, tiền công đức chưa được quản lý chặt chẽ. Ảnh: VnEconomy

Hành lang pháp lý tạo sự công khai, minh bạch

Thực tế, vấn đề quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã được đặt ra từ lâu. Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, từ năm 1957, Bộ Văn hóa đã ban hành Thông tri 580 để quản lý nguồn thu của lễ hội. Theo đó, Ủy ban Hành chính có trách nhiệm quản lý khoản thu này ở các di tích, lễ hội lớn. Thông tri cũng quy định, đối với di tích, lễ hội nhỏ, có nguồn thu hạn chế thì do ban quản lý di tích và thủ nhang quản lý.

Khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua năm 2016, mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền quyên góp, tài trợ đều phải tuân theo quy định tại Điều 56 của Luật. Nghị định 162/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Khoản 4, 5 Điều 19 nêu rõ: Hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Tài sản quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và từ thiện xã hội. Không được lợi dụng danh nghĩa cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc để quyên góp nhằm trục lợi hoặc trái mục đích quyên góp…

Tuy nhiên, việc quản lý kinh phí tổ chức lễ hội, tiền công đức ở một số nơi chưa được thực hiện tốt. Qua thời gian, sự thay đổi của bối cảnh xã hội, nguồn thu từ các lễ hội, công đức trở thành nguồn thu lớn, đòi hỏi việc công khai, minh bạch, đúng mục đích nguồn tiền này phải rõ ràng hơn nữa.

Vì thế, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC ngày 19.1.2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được coi là hành lang pháp lý, đánh dấu bước đầu cho việc minh bạch, công khai quản lý, sử dụng tiền công đức.

Theo đó, ban tổ chức phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí từ các nguồn, tiền công đức cho công tác tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, thanh toán điện tử. Mở sổ ghi chép đầy đủ khi tiếp nhận tiền mặt. Tiền này nếu chưa sử dụng tới phải gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm quản lý an toàn, minh bạch. Mở sổ kế toán, hạch toán thu chi. Kết thúc năm tài chính phải lập báo cáo quyết toán…

Thông tư 04/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 19.3, không áp dụng cho việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ đối với cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo chưa được cấp bằng xếp hạng di tích hoặc chưa nằm trong danh mục kiểm kê di tích của địa phương…

Ngọc Phương