Minh bạch trong quản lý, sử dụng tiền công đức

Công khai và không vụ lợi

- Thứ Hai, 27/03/2023, 06:04 - Chia sẻ

Từ trước tới nay, hoạt động tài trợ cho lễ hội, di tích thường chủ yếu được nhìn nhận ở khía cạnh văn hóa tinh thần. Tuy nhiên trước thực tế tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tiền công đức, việc có những quy định mới ở góc độ tài chính được cho là phù hợp.

Nhiều phản hồi tích cực

Thời gian qua, trong bối cảnh cơ chế quản lý tiền công đức còn thiếu thống nhất, lỏng lẻo, mỗi nơi có cách quản lý khác nhau đã dẫn đến câu chuyện trục lợi, thất thoát tiền công đức, hay sử dụng tiền công đức sai mục đích, gây ra những nghi kỵ, mất niềm tin trong cộng đồng. Bởi vậy, Thông tư 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội ra đời đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.

“Bộ Tài chính ra thông tư giúp các cơ sở di tích có thể quản lý thu chi một cách minh bạch, đồng thời sử dụng công đức của thập phương bá tánh vào các nhu cầu phục vụ cho lợi ích cộng đồng” - Đại đức Thích Tâm Thành, trụ trì chùa Cổ Am, huyện Diễn Châu, Nghệ An nhận định.

Thông tư 04/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 19.3.2023. Từ đây, việc quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền tài trợ tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng phải bảo đảm công khai, minh bạch nhưng không cản trở hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ là hợp lý. Điều này càng đúng hơn khi xem xét các nguồn thu này là rất nhạy cảm và phức tạp, và xu thế quản lý đề cao tính phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm. Thông tư cũng tạo hành lang pháp lý để theo dõi, giám sát, thanh tra, xử lý những đơn vị, cá nhân sử dụng tiền công đức không đúng mục đích, sai phạm, đầu cơ trục lợi.

Là một Phật tử, bà Nguyễn Thị Hạnh (Hà Nội) cho rằng: “Việc có một hướng dẫn và đòi hỏi công khai, minh bạch trong thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là cần thiết, từ đó, Phật tử đến công đức, đặt tiền giọt dầu yên tâm rằng số tiền ấy sẽ được sử dụng để tu bổ di tích và phục vụ hoạt động lễ tại di tích…”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nhận định: Thông tư 04/2023/TT-BTC vừa được ban hành không phải để Nhà nước quản lý tiền mà mục đích là làm cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tốt đẹp hơn. Đây là động thái cần thiết, khi thực hiện sẽ đem lại niềm tin, uy tín cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và ban tổ chức lễ hội…

Thông tư 04/2023/TT-BTC được kỳ vọng tạo nên minh bạch trong quản lý, sử dụng tiền công đức - Nguồn: Chinhphu.vn
Thông tư 04/2023/TT-BTC được kỳ vọng tạo nên minh bạch trong quản lý, sử dụng tiền công đức. Nguồn: Chinhphu.vn

Bám sát các nguyên tắc cơ bản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II.2023.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, trong bối cảnh các di tích, lễ hội đang rất cần có nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo và tổ chức, nguồn lực và sự quan tâm của xã hội đến di tích và lễ hội cũng rất lớn, thì việc quản lý thu, chi tài chính sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động này đáp ứng nhu cầu, phù hợp với xu thế.

Tuy nhiên, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn phân tích, để thực hiện thành công Thông tư 04/2023/TT-BTC, cần bám chắc những nguyên tắc cơ bản như công khai, minh bạch, đúng mục đích và hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh, mang tính làm gương đối với các hiện tượng tiêu cực, sai phạm để từ đó tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt Thông tư này.

Theo PGS.TS. Bùi Xuân Đính, ngoài sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền, cần có sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, sự giám sát của người dân trong việc thu, chi tiền công đức đặc biệt quan trọng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần làm tốt công tác tuyên truyền để Thông tư đi vào cuộc sống và được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, có sự vào cuộc của các địa phương, đặc biệt là các Ban quản lý di tích ban hành quy chế, quy định cụ thể cho từng di tích, lễ hội. Bởi mỗi di tích, lễ hội có quy mô, loại hình, cách thức sở hữu khác nhau. 

Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên Phạm Thành Trung cho biết: “Ban Quản lý di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên đang xây dựng quy trình quản lý, sử dụng tiền công đức theo Thông tư 04 của Bộ Tài chính, tuy nhiên hầu như ít có thay đổi bởi cách làm hiện nay đã thể hiện đúng tinh thần Thông tư. Có một điểm mới, rất tốt, đó là theo Điều 13, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng, trong đó có trích tỷ lệ phần trăm nhất định để phục vụ tu bổ, tôn tạo, giữ gìn các di tích, lễ hội khác trên địa bàn. Thực tế có những di tích lượng khách đến không nhiều, nguồn công đức ít, nếu làm tốt điều này sẽ giúp những điểm di tích đó duy trì hoạt động”.

Thảo Nguyên - Thái Minh