Minh bạch trong quản lý, sử dụng tiền công đức

Giữ tôn nghiêm chốn thờ tự

- Thứ Hai, 27/03/2023, 06:07 - Chia sẻ

Từ xưa đến nay, phát tâm công đức giọt dầu là nét đẹp văn hóa, thói quen của nhiều người khi đến các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng. Mỗi đồng tiền công đức được minh bạch hóa không những đem lại niềm tin, uy tín cho chính cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, ban tổ chức các lễ hội, mà còn góp phần bảo đảm sự tôn nghiêm của chốn thờ tự.

Trao quyền quản lý và giám sát

Cứ 14 giờ và 19 giờ hàng ngày, Ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh, lại tiến hành hoạt động mở khóa hòm công đức. Mỗi hòm công đức đặt tại đền đều có 2 ổ khóa, một chìa khóa do tổ trưởng tổ mở khóa hòm công đức cất giữ, một chìa khóa do tổ trưởng tổ bảo vệ - thành viên tổ mở khóa hòm và kiểm đếm tiền công đức cất giữ. Lúc tiến hành mở khóa hòm công đức đều phải có sự chứng kiến của các thành viên trong tổ mở khóa hòm và kiểm đếm tiền công đức và thủ từ. Cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát quy trình này từ xa thông qua hệ thống camera an ninh được lắp đặt ở nơi thờ tự.

Toàn bộ số tiền này sau khi được niêm phong sẽ vận chuyển về phòng kiểm đếm, nơi có camera kết nối truyền hình ảnh trực tiếp về UBND thành phố Cẩm Phả. Tại đây, các thành viên trong tổ mở khóa hòm và kiểm đếm thực hiện phân loại, thống kê tổng số tiền và lập biên bản tổng hợp mở hòm, kiểm đếm tiền công đức, lấy chữ ký của tổ trưởng các tổ. Toàn bộ thông tin số tiền này được báo cáo hàng ngày về UBND thành phố Cẩm Phả.

Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên Phạm Thành Trung cho biết, năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 4220/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên, trực thuộc UBND thành phố Cẩm Phả. Chính quyền thành phố Cẩm Phả đã nhanh chóng kiện toàn danh mục vị trí việc làm và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho Ban Quản lý. Bấy giờ, Ban Quản lý đã thành lập tổ thủ từ, tổ ghi công đức, tổ bảo vệ, tổ mở khóa hòm và kiểm đếm tiền công đức, tổ giám sát, mỗi tổ có nhiệm vụ riêng, có trách nhiệm giám sát, quản lý tiền công đức chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả.

“Hoạt động mở khóa, kiểm đếm, quản lý nguồn tiền công đức được thực hiện theo nếp quy củ từ thời điểm đó đến nay. Ở đây, chúng tôi không phân chia tiền giọt dầu hay tiền công đức riêng mà tất cả tiền của nhân dân đã vào trong khu di tích đều gọi chung là nguồn thu công đức. Tiền được nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị được mở tại Kho bạc Nhà nước thành phố Cẩm Phả để chi hoạt động thường xuyên cho Ban Quản lý đền, số còn lại nộp ngân sách nhà nước. Việc chi thường xuyên của Ban Quản lý đền dựa vào tình hình thực tế và được UBND thành phố Cẩm Phả kiểm soát thông qua Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định kiểm soát chi. Dân gian có câu của một đồng, công một nén, cách kiểm soát, quản lý, phân chia nguồn thu công đức như vậy thực sự đã giúp Ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên tạo dựng được niềm tin trong nhân dân, để họ thấy được mỗi đồng tiền công đức vào nơi này đều được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích”, ông Phạm Thành Trung nói.

Tiền công đức ở Di tích đền Cửa Ông được các tổ thu gom, niêm phong trước khi chuyển đi kiểm đếm -  Nguồn: Baoquangninh.vn
Tiền công đức ở Di tích đền Cửa Ông được các tổ thu gom, niêm phong trước khi chuyển đi kiểm đếm. Nguồn: Baoquangninh.vn

Dung hòa thiện tâm

Di tích đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, là một trong những di tích trọng điểm ở Nghệ An, lâu nay duy trì cách kiểm soát, quản lý tiền công đức khá khoa học, bài bản. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hưng Nguyên, Trưởng ban Quản lý Di tích đền Ông Hoàng Mười Hoàng Thị Hoài Thanh cho biết, việc giám sát, quản lý tiền công đức tại đền được thực hiện theo Quyết định 18/2016/QĐ-UBND về quản lý nguồn công đức ở di tích lịch sử danh lam thắng cảnh Nghệ An.

Theo đó, Ban Quản lý Di tích đền Ông Hoàng Mười có 15 thành viên, bao gồm 1 trưởng ban, 3 phó ban và 11 ban viên, ngoài ra còn có 4 tổ hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ, phục vụ, quản lý tại đền. Có một tổ giám sát gồm 5 thành viên được huyện Hưng Nguyên thành lập, do Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, HĐND huyện làm tổ trưởng, để giám sát việc kiểm đếm, quản lý và chi tiêu tiền công đức. Chìa khóa hòm công đức và giọt dầu do Trưởng ban và Tổ trưởng tổ giám sát giữ, khi mở phải có đủ 2 chìa. Hàng tháng sẽ có 2 lần thực hiện kiểm đếm số tiền công đức tại đền, cao điểm sẽ mở hòm công đức tùy vào thực tế khi đầy hòm. Mỗi lần mở hòm và kiểm đếm tiền công đức đều có đủ các thành phần: thành viên Ban quản lý di tích, tổ giám sát. Sau khi kiểm đếm xong, toàn bộ số tiền công đức sẽ được lập biên bản, các thành phần tham gia ký tên và bàn giao cho thủ quỹ để mang lên Kho bạc Nhà nước, chuyển vào tài khoản theo quy định.

“Số tiền công đức tại đền Ông Hoàng Mười được chia theo tỷ lệ phần trăm để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Theo đó, 45% số tiền công đức thu được, nộp về ngân sách huyện để tái đầu tư xây dựng, bảo tồn, tôn tạo di tích. 35% số tiền dành cho các hoạt động chi thường xuyên tại di tích và chi trả phụ cấp hợp đồng lao động tại di tích (do UBND huyện phê duyệt và dự toán đầu năm, quyết toán cuối năm). 20% tiền công đức được trích chi nguồn phúc lợi xã hội tại địa phương và đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của tỉnh”, bà Hoàng Thị Hoài Thanh cho biết.

Di tích đền Ông Hoàng Mười chỉ là một trong nhiều điểm di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An cụ thể hóa Quyết định số 18 năm 2016 của UBND tỉnh, góp phần tránh thương mại hóa và tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế, cũng như bảo đảm minh bạch, hiệu quả nguồn tiền công đức. Như theo thống kê trong năm 2022 từ 7 di tích trọng điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tổng số tiền công đức nộp qua Kho bạc Nhà nước là hơn 26 tỷ đồng, trong đó Đền Ông Hoàng Mười lớn nhất với 17,5 tỷ đồng; Đền Cờn hơn 5,5 tỷ đồng; đền Hồng Sơn 1,3 tỷ đồng, đền Quả Sơn 1,1 tỷ đồng…

Trong khi vấn đề quản lý, sử dụng tiền công đức vẫn dấy lên ở không ít điểm di tích tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều điểm di tích đang có cách làm hay để giữ được tính tôn nghiêm và giá trị đích thực của tiền công đức. Có thể nói, chính sự minh bạch số liệu và hiệu quả đóng góp đã giúp các điểm tâm linh lan tỏa giá trị trong lòng du khách thập phương.

Hải Đường