Theo tìm hiểu, cầu vượt sông Krông Bông thuộc dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt BQLDA) làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế, cầu có chiều dài khoảng 200m với 6 nhịp, rộng 8,5m. Tổng mức đầu tư hơn 36 tỷ đồng. Dự án cầu vượt sông Krông Bông được khởi công vào tháng 5.2023 và theo kế hoạch, đến tháng 12.2023, dự án hoàn thiện đưa vào sử dụng. Cầu sau khi hoàn thiện sẽ nối xã Vụ Bổn (Krông Pắk) và xã Hòa Phong (Krông Bông).
Sau hơn nửa năm hoàn thiện, dự án đến nay vẫn chưa thể đưa vào khai thác, mà nguyên do là phần đường dẫn lên cầu ở thôn 5 (xã Hòa Phong) chưa thể giải phóng được mặt bằng,
Hiện nay, chủ đầu tư cùng cơ quan ban ngành của tỉnh Đắk Lắk và huyện Krông Bông đang tìm cách tháo gỡ vướng mắc.
Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Bông, cầu vượt sông Krông Bông chưa được kết nối vào tỉnh lộ 12 do vướng mắc giải phóng mặt bằng là trụ sở làm việc của Trạm Kiểm lâm số 2 thuộc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Do trụ sở làm việc của trạm kiểm lâm là tài sản công, phải thực hiện thanh lý các tài sản trên đất theo quy định nên chưa thể bàn giao mặt bằng.
Khi giải tỏa Trạm Kiểm lâm số 2, huyện Krông Bông chưa biết bố trí quỹ đất ở vị trí nào để xây dựng trụ sở, do quy hoạch sử dụng đất của huyện đã được tỉnh phê duyệt đầu năm 2022 nên phải có thời gian điều chỉnh bổ sung quy hoạch đất làm vị trí trụ sở.
Hiện nay, huyện Krông Bông đã có văn bản gửi chủ đầu tư dự án để đơn vị kiến nghị cơ quan chủ quản sớm thanh lý tài sản công, thu hồi đất bàn giao cho dự án. Ngoài ra, UBND huyện Krông Bông cũng đã giao phòng ban chuyên môn, tiến hành lập phương án bồi thường, hỗ trợ, sớm trình UBND huyện xem xét phê duyệt theo quy định. Bên cạnh đó, căn cứ chủ trương cho thanh lý tài sản công của cấp thẩm quyền, tham mưu cho UBND huyện có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi đất thuộc trụ sở làm việc của Trạm Kiểm lâm số 2 để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án. Huyện cũng giao UBND xã Hoà Phong tạo điều kiện, phối hợp với Vườn Quốc gia Chư Yang Sin khảo sát, lựa chọn vị trí, địa điểm phù hợp để làm trụ sở làm việc tạm thời cho Trạm Kiểm lâm số 2.
Trong khi đó, thông tin từ BQLDA tỉnh cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng huyện Krông Bông cùng các cơ quan có liên quan trong việc quy hoạch vị trí trụ sở mới để di dời trạm kiểm lâm và sẽ nhanh chóng thi công hoàn thiện công trình, đưa vào phục vụ người dân.
Để tháo gỡ vướng mắc, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, yêu cầu đơn vị tham mưu huyện Krông Bông bố trí địa điểm xây dựng trụ sở mới Trạm kiểm lâm số 2 phù hợp và đảm bảo nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng của đơn vị. Phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Krông Bông để xác định tiền bồi thường tài sản công, xác định kinh phí hỗ trợ thuê trụ sở trong thời gian chờ xây dựng trụ sở mới (nếu có). Đồng thời, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin được giao lập tờ trình xin thanh lý trụ sở làm việc Trạm Kiểm lâm số 2, gửi Sở để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt theo quy định về quản lý tài sản công.
Trong khi chờ cơ quan chức năng tiến hành các quy trình thủ thục theo quy định, ghi nhận của Phóng viên Báo Đại biểu nhân dân, người dân tại khu vực hai đầu cầu ngày ngày vẫn qua lại sông Krông Bông trên một con phà tự phát.
Chiếc phà được vận hành thủ công. Chủ phà cho mắc một sợi dây thừng lớn nối với hai bên bờ sông Krông Bông, ngay dưới chân cầu. Mỗi lần có khách qua sông, chủ phà sẽ dùng tay kéo dây thừng đưa khách cùng phương tiện từ bên xã Vụ Bổn qua xã Hòa Phong và ngược lại. Mỗi lần, chủ phà sẽ thu 10 nghìn đồng/lượt. Chủ phà cũng như khách không có bất kỳ trang bị bảo hộ nào.
Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, nguy cơ lũ trên các sông, suối là rất lớn. Nếu chính quyền địa phương không sớm có giải pháp để đảm bảo an toàn việc qua lại trên sông Krông Bông, đoạn thuộc dự án cầu đang dang dở này, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn là rất lớn.