Cần giải pháp đồng bộ và nguồn lực đủ lớn
Dẫn số liệu của Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm 2021, Chính phủ các nước đã hỗ trợ tài chính cho ngành hàng không toàn cầu 243 tỷ USD thông qua các gói hỗ trợ lương, cho vay có hoàn lại hoặc giãn thanh toán, hỗ trợ không hoàn lại trực tiếp bằng tiền hoặc thông qua mua cổ phần, bảo lãnh vay nợ, hỗ trợ thuế doanh nghiệp và thuế nhiên liệu.
Tại Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ đã có các giải pháp, chính sách tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các hãng hàng không phục hồi thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm phí dịch vụ cất/hạ cánh; cho vay hỗ trợ lãi suất; cơ cấu lại nợ và đặc biệt là gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) qua hình thức vay tái cấp vốn và phát hành cổ phiếu tăng vốn... Nhờ đó, đã giúp VNA thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán, duy trì hoạt động liên tục trong bối cảnh dòng tiền thâm hụt lớn, không có khả năng chi các khoản nợ do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Cũng chính nhờ gói hỗ trợ trên nên theo Cục Hàng không Việt Nam, đánh giá của IATA cho thấy, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên, tiến trình phục hồi của ngành hàng không đang gặp nhiều trắc trở. Trong khi các hãng hàng không thế giới tại nhiều quốc gia đã nhận được gói cứu trợ lần 3 và 4 từ Chính phủ thông qua các công cụ tài chính khác nhau để phục hồi và hoạt động hiệu quả sau đại dịch Covid-19 thì tại Việt Nam, chính sách hỗ trợ các hãng hàng không vẫn gặp nhiều khó khăn. Đây là điểm bất lợi cho các hãng hàng không Việt Nam trong bối cảnh cần nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Quan trọng hơn, gói hỗ trợ này đã tạo niềm tin cho các chủ nợ để VNA đàm phán giãn hoãn thanh toán và giảm giá tiền thuê máy bay. Đáng tiếc là do bị chậm nhịp nên tới thời điểm hiện nay VNA vẫn đang đối diện nhiều khó khăn về tài chính.
Vietnam Airlines - với nỗ lực tự thân tái cơ cấu đồng bộ
Chủ tịch Hội đồng quản trị VNA Đặng Ngọc Hòa cho biết, cùng với những nỗ lực tự thân để vượt qua khủng hoảng, VNA đã xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện để phát triển bền vững, trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đề án tập trung vào các giải pháp cốt lõi để củng cố tiềm lực tài chính cho hãng hàng không quốc gia. Nhưng đến nay, Đề án vẫn chưa được phê duyệt vì gặp nhiều vướng mắc, bất cập từ cơ chế, chính sách.
TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, đây chính là điểm nghẽn thể chế và tháo gỡ điểm nghẽn này là yếu tố rất quan trọng cho giai đoạn phát triển hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với mục tiêu vươn mình mạnh mẽ.
Theo đó, TS. Trương Văn Phước đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật trong các ngành kinh tế và trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm tính linh hoạt, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.
Đây là cơ sở để xử lý các tình huống bất khả kháng, tạo cú hích giúp các doanh nghiệp nhà nước nói chung và VNA nói riêng vượt quá khó khăn, thực hiện tái cơ cấu toàn diện để phát triển bền vững. “Muốn xây dựng các doanh nghiệp nhà nước mạnh, việc tăng vốn bổ sung cho doanh nghiệp không chỉ giới hạn trong phạm vi để thực hiện mục tiêu quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán cũng cần xem xét các điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng thông thoáng hơn. Vì nhà đầu tư mua cổ phiếu của doanh nghiệp không tính lãi, lỗ tức thời mà cơ bản dựa trên đánh giá tiềm năng, triển vọng lâu dài của doanh nghiệp và ngành kinh tế đó”, TS. Trương Văn Phước nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thị trường hàng không Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng và phục hồi hoàn toàn so với trước đại dịch Covid-19; tuy nhiên, để tận dụng được thời cơ, cần có động cơ chủ lực chắp cánh cho cả hệ sinh thái ngành hàng không, thông qua việc đầu tư tạo ra các năng lực sản xuất mới, định hướng chiến lược cho các doanh nghiệp trong ngành, cơ cấu lại thị phần và phát triển thêm các thị trường mới…
Theo đó, với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên cần được đặt trên vai Vietnam Airlines. Bởi trên thực tế, Vietnam Airlines cũng đang là công cụ đặc biệt của Nhà nước để quản lý và điều tiết ngành hàng không, theo đúng định hướng kinh tế nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết thúc đẩy phát triển kinh tế; doanh nghiệp nhà nước là công cụ của kinh tế nhà nước. Theo đó, xu hướng phục hồi trong khó khăn đòi hỏi doanh nghiệp đầu ngành như Vietnam Airlines cần được phục hồi về trạng thái tốt nhất để đủ sức dẫn dắt cả hệ sinh thái ngành hàng không Việt Nam.