Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Ottawa vào tối ngày 23.3 trong một chuyến thăm mà đáng lẽ phải được diễn ra từ lâu. Thông thường, Canada là điểm đến đầu tiên của các đời tổng thống Mỹ mới đắc cử. Tuy nhiên, cả Donald Trump và Biden đều đã đi chệch khỏi truyền thống đó, tất nhiên là vì những lý do rất khác nhau.
Cựu Tổng thống Trump từng công khai gọi nhà lãnh đạo Canada là “kẻ yếu đuối”. Ngoài tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 6.2018 tại La Malbaie, Quebec, ông Trump chưa bao giờ đến thăm Canada trong 4 năm nhiệm kỳ của mình.
Tất nhiên ông Biden thì khác. Lần cuối cùng ông đến Ottawa là với tư cách Phó tổng thống của Barack Obama vào tháng 12.2016. Tại đó, ông từng nhấn mạnh rằng Mỹ cần Canada “rất rất nhiều”. Và sự chậm trễ của “truyền thống thăm Canada đầu tiên” là do đại dịch Covid-19. Thật vậy, ông Biden đã hai lần lên kế hoạch cho chuyến thăm Canada này, lần đầu tiên vào tháng 2.2021 và sau đó là vào mùa hè năm 2022. Nhưng cả hai lần kế hoạch này đều thất bại, lần đầu tiên là do đại dịch và sau đó là khi bản ông Biden có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, không chỉ một mà hai lần. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền năm 2021, ông Biden đã tổ chức một số cuộc điện đàm và các cuộc họp trực tuyến với nhà lãnh đạo Canada, đồng thời tham gia các diễn đàn đa phương khác với Thủ tướng Trudeau.
Tái kết nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chuyến thăm này cuối cùng cũng được tiến hành, làm sáng tỏ bản chất độc đáo của mối quan hệ Mỹ - Canada, vốn thường được gọi là “những người bạn tốt nhất, cho dù bản thân người trong cuộc có thích hay không”. Nhưng điều gì sẽ làm nổi bật hội nghị thượng đỉnh này khi hai bên thường xuyên ký một số biên bản ghi nhớ (MoU) và các thỏa thuận hoặc đưa ra các sáng kiến mới?
Đối với thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh này diễn ra trong bối cảnh Canada vừa công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được chờ đợi từ lâu. Do đó, mẫu số chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể khiến Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo trở thành một cột mốc trong quan hệ song phương với những tác động sâu rộng.
Nguyên do là bởi trong hai thập kỷ qua - khi trọng tâm toàn cầu dịch chuyển từ Bắc Đại Tây Dương sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Canada hoàn toàn bỏ lỡ cơ hội kết nối với tiến trình lịch sử đang phát triển này. Cho đến nay, Canada vẫn chưa tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á được thiết lập vào năm 2005.
Đặc biệt đáng chú ý là sự vắng mặt của Canada trong các sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo chẳng hạn như cơ chế An ninh AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ) được đưa ra tháng 9.2021 và gần đây là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tháng 5.2022. Ngay cả ông Donald Trump cũng từng loại trừ Canada khỏi kế hoạch hồi sinh của liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes).
Canada cũng đứng ngoài Khuôn khổ Tứ giác An ninh (Quad - gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Australia). Trong khi “Nước Anh toàn cầu” thời hậu Brexit - dù hoàn toàn không phải là một quốc gia Thái Bình Dương như Canada - lại đang tích cực trở thành một đối tác của Mỹ trong các kết cấu khu vực.
Canada mới bắt đầu tiến gần hơn tới Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Tổng thống Biden từng công bố tháng 1.2021 với việc nước này công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình vào tháng 11 năm ngoái. Trong đó, phiên bản Canada khẳng định quan điểm thiếu thiện cảm với Trung Quốc và gọi Ấn Độ là đối tác quan trọng.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 6 và sau đó là cả ông Trudeau và ông Biden đều đến thăm New Delhi vào tháng 9 để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 có thể chứng kiến việc Canada tái kết nối với vùng duyên hải Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương một cách rõ nét.
Chia sẻ mối lo ngại chung
Cả 3 nhà lãnh đạo nói trên đều cảm thấy ngày càng gắn kết bởi một thách thức chung đến từ Trung Quốc. Trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuộc gặp kéo dài 4 tiếng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, các quan chức ở Mỹ và Canada đã thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.
Một điểm cần lưu ý là Hội nghị Thượng đỉnh Biden - Trudeau diễn ra trong bối cảnh tháng trước cả Mỹ vừa bắn hạ một khinh khí cầu thời tiết của Trung Quốc và ba vật thể bay nhỏ không xác định khác gần biên giới Canada.
Yếu tố này không chỉ hứa hẹn rằng hai nhà lãnh đạo sẽ “quy đồng mẫu số” trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của họ, mà còn là lý do khiến nửa tá cuộc gặp giữa ông Biden và ông Trudeau tại các diễn đàn đa phương khác nhau trong hai năm qua đều đặc biệt ăn ý.
Trong cuộc họp hồi tháng 1 tại Mexico, hai nhà lãnh đạo hoàn toàn hứng khởi khi nói về tiềm năng hợp tác kinh tế không giới hạn của mình, vai trò của họ với tư cách là các cường quốc năng lượng sạch, dẫn đầu quá trình chuyển đổi toàn cầu sang mức phát thải ròng bằng 0, quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với các vật liệu quan trọng để cùng chống chọi với mọi áp lực từ Trung Quốc.
“Trẻ hóa” NORAD và các vấn đề khác
Vấn đề quan trọng nhất, đòi hỏi hai nước quan tâm ngay trước mắt là cải tổ Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) - một hệ thống phòng thủ chung đã hoàn toàn già cỗi. Tháng trước, NORAD đã bị khiển trách vì không có khả năng xác định ba vật thể bay lạ ở gần biên giới Canada.
Mỹ và Canada có thể sẽ ưu tiên hàng đầu cho việc đẩy nhanh quá trình nâng cấp NORAD nhưng sẽ tìm cách phát triển phạm vi phản ứng chung rộng ra ở các lĩnh vực khác, chẳng hạn thiết kế lại chuỗi cung ứng của họ để hạn chế sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong một số lĩnh vực quan trọng như năng lượng xanh, Trung Quốc kiểm soát 55% thị trường toàn cầu về lithium, vật liệu cần thiết cho pin cho xe điện. Điều này cũng đúng với các sản phẩm quang điện như tấm bán dẫn polysilicon để tạo ra pin năng lượng mặt trời, yếu tố đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các mối quan tâm khác sẽ bao gồm sự bất ổn ở Haiti, dịch bệnh opioid ở cả hai quốc gia và một số vấn đề gây khó chịu trong các quy định về du lịch, thương mại và di cư song phương.
Ông Biden đến thăm Canada lần cuối vào tháng 12.2016 khi thế giới đang chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Điều này cho thấy Phó tổng thống khi đó là Biden đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Canada trong việc duy trì “trật tự thế giới tự do”. Sẽ rất thú vị khi chờ đón xem, Tổng thống Biden, người vào năm 2016 đã coi Canada là đối tác quan trọng để cứu trật tự tự do, sẽ thể hiện mối quan hệ đối tác với Canada như thế nào trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với rất nhiều thách thức hậu đại dịch cũng như nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy phải đối mặt với những chỉ trích cả trong và ngoài nước Mỹ. Canada đứng ở đâu trong những cân nhắc được-mất của ông?