Áp thuế chống bán phá giá không phải việc chúng tôi thích thú
- Thưa ông, tại sao EU phải tiến hành đợt rà soát cuối kỳ với việc chống bán phá giá hàng da giày Việt Nam? Trong lần rà soát này, các ông đã tiến hành công việc cụ thể như thế nào?
- Rà soát cuối kỳ là quy định của EU khi đang áp dụng phòng vệ chống bán phá giá nên chúng tôi buộc phải làm. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Công thương, Hiệp hội Da giày Việt Nam và một số công ty là thành viên của hiệp hội. Việc cơ bản của chúng tôi là thu thập, phân tích thông tin để đưa ra dự báo mang tính khách quan. Cuối cùng, chúng tôi sẽ đưa ra một văn bản chính thức và trình lên Hội đồng bộ trưởng của châu âu để đưa ra kết luận cuối cùng.
- Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu làm gia công nên khi áp thuế chống bán phá giá thì người thiệt hại nhất là lao động Việt Nam. Các ông có cân nhắc đến những ảnh hưởng đối với các lao động này khi áp thuế chống bán phá giá?
- Với câu hỏi này, chúng ta đã bắt đầu cuộc thảo luận khá thú vị rồi. Trong buổi làm việc với Hiệp hội Da giày, chúng tôi đã được giải thích một cách rõ ràng về những loại hình doanh nghiệp khác nhau. Chúng tôi cũng đã hiểu được cách thức vận hành của một số công ty mà ở đó nhiều nhóm người chỉ làm gia công cho các công ty nước ngoài.
Xét về lý thuyết mà nói, sẽ là tốt hơn cả nếu như có một chính sách cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế không có một hiệp ước quốc tế nào liên quan đến quy chế về cạnh tranh. Khung về quy định hiện tại mà quốc tế có đối với cạnh tranh đó là quy định về phòng vệ thương mại mà thôi. Do vậy, ai đó có thể nói biện pháp này là lỗi thời, tuy nhiên đó là cách có thể áp dụng hiện nay đối với những thảo luận liên quan đến cạnh tranh. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu tiến trình này có được tiến hành một cách công bằng, minh bạch, tuân thủ theo những tiêu chuẩn quốc tế hay không? Thì tôi xin trả lời là nó đã tiến hành đúng như vậy.
- Việc EU áp dụng thuế chống bán phá giá đối với da giày Việt Nam có đi ngược lại tinh thần thương mại tự do giữa Việt Nam và EU hay không?
- Tôi xin nhấn mạnh, áp thuế chống bán phá giá không phải là việc chúng tôi thích thú. Quyết định này không thuộc thẩm quyền của Tổng vụ Thương mại, không thuộc vào Cục Phòng vệ Thương mại chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là chuẩn bị những thông tin mang tính khách quan, những thành viên châu âu mới là bên đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong quá trình thu thập thông tin, phân tích, không thấy có hiện tượng phá giá thì việc phòng vệ này chắc chắn sẽ được dỡ bỏ. Khi chúng tôi xác định được là có sự phá giá và gây tổn hại cho cộng đồng châu âu thì phải áp thuế chống bán phá giá.
Tôi cũng muốn nói rằng phòng vệ thương mại là điều không thể tránh khỏi. Nó cũng không đi ngược lại với tự do hóa thương mại. Bởi lẽ, khi tự do hóa thương mại mà có yếu tố bóp méo thương mại thì phòng vệ thương mại là biện pháp duy nhất chúng tôi có thể tiến hành. Tôi cũng xin lưu ý một điều là biện pháp phòng vệ thương mại không bao giờ kéo dài vĩnh viễn.
Chúng tôi rất thích mua giày Việt Nam
- Các ông cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá ảnh hưởng đến cộng đồng châu âu, xin ông cho biết cụ thể của sự ảnh hưởng này?
- Thực tế khi chúng ta đưa ra biện pháp này đã có sự phân tích đầy đủ của các nhà kinh tế. Các kinh tế gia đưa ra những biện pháp, sự can thiệp của Chính phủ đối với xuất khẩu gây ra sự bóp méo trong thương mại. Công nghiệp giày dép của EU cũng bị ảnh hưởng. Thị trường bị thu hẹp, số người thất nghiệp tăng. Cụ thể, từ 2001-2005, sản lượng giày dép của doanh nghiệp châu u từ 223 triệu đôi giảm xuống còn 148 triệu đôi, lao động từ 83.000 công ăn việc làm xuống còn 53.000 công ăn việc làm. Còn số liệu mới chúng tôi vẫn đang tiếp tục rà soát.
- Có một số ý kiến cho rằng, việc áp thuế này chỉ có lợi cho một số nhà sản xuất thuộc EU thôi, không vì cộng đồng châu âu nói chung?
- Khi đưa ra mức thuế 10%, chúng tôi đã cân nhắc hết sức nghiêm túc quyền lợi của cộng đồng châu âu. Về tương lai chúng tôi hy vọng sẽ không tồn tại thuế chống bán phá giá nhưng liên quan đến ngành công nghiệp giày da. Hiện tại lượng giày dép Việt Nam vào EU rất nhiều, tôi cảm thấy rất phấn khích với số lượng lớn này, vì trên thực tế người tiêu dùng châu âu đánh giá cao giày dép Việt Nam, chúng tôi rất thích mua giày Việt Nam.
- Ông đánh giá thế nào về nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay và khi nào EU trao quy chế thành viên nền kinh tế thị trường vĩnh viễn cho Việt Nam?
Nếu như có thể tiên đoán được tương lai thì tôi đã rất hạnh phúc. Những gì tôi có thể nói được cho quý vị bây giờ là quy chế nền kinh tế thị trường dựa trên 5 tiêu chí, và 5 tiêu chí này lại đi sâu hơn vào những tiêu chí phụ khác. Chúng tôi cần tiến hành cân nhắc những tiêu chí này một cách kỹ lưỡng trước lúc có kết luận. Chúng tôi phải xem xét chất lượng kế toán Việt Nam thế nào, môi trường luật pháp ra sao, sự vận hành của Luật Phá sản Việt Nam, sự hỗ trợ của nhà nước như thế nào?...
Sau đó chúng tôi sẽ ra bản báo cáo về tình hình kinh tế thị trường của Việt Nam, trong vòng vài tháng tới hy vọng bản báo cáo này sẽ sẵn sàng. Dựa trên kết quả của bản báo cáo, chúng tôi sẽ quay lại thảo luận với phía Việt Nam. Kết luận cuối cùng không phụ thuộc vào chúng tôi.
- Qua những ngày làm việc vừa qua, ông và phái đoàn EU thấy gì và đã có kết luật gì về việc chống bán phá giá? Khoảng bảo lâu việc rà soát sẽ kết thúc?
Đây là một tiến trình và chúng tôi đang tiến hành từng bước. Nếu đã có kết luận ngay chứng tỏ chúng tôi đã nghe, tin những gì mà nhà sản xuất chúng tôi đưa ra rồi định sẵn ý đồ trong đầu rồi. Chúng tôi không làm như thế.
Thời gian bình thường để rà soát xong khoảng 12 tháng có thể kéo dài tới 15 tháng nhưng chúng tôi đã sẵn sàng làm trong thời gian nhanh nhất trong khoảng 8- 9 tháng.
- Xin cám ơn ông!
Xuất khẩu dừa và sản phẩm chế biến có thể đạt 1,2 tỷ USD
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu dừa và sản phẩm chế biến năm nay có thể đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15 - 20% so với năm 2023. Tuy tăng trưởng mạnh nhưng muốn bền vững, cần bảo đảm nguồn cung ổn định, chất lượng tốt và quan tâm xây dựng thương hiệu cho ngành dừa.