Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua Tổng thống 2024

Cục diện bầu cử Mỹ sẽ theo hướng nào?

Cuối cùng, dưới rất nhiều áp lực, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra quyết định dừng chiến dịch tái tranh cử. Câu hỏi được dư luận quan tâm hiện nay là, liệu đảng Dân chủ có lựa chọn Phó Tổng thống Kalama Harris - người đã được ông Biden "trao lại ngọn đuốc" và cục diện bầu cử sẽ theo hướng nào?

Quyết định được ủng hộ

Trong bức thư, Tổng thống JoeBiden viết: “Được phục vụ với tư cách là tổng thống của các bạn là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi… Và mặc dù ý định tìm cách tái tranh cử là có thật, nhưng tôi tin rằng quyết định từ bỏ sẽ vì lợi ích của đảng và đất nước. Tôi chỉ tập trung hoàn thành thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của mình”. Ông cũng cho biết sẽ thông tin chi tiết hơn cho cả nước Mỹ vào cuối tuần này.

Đây là lần đầu tiên kể từ nửa thế kỷ qua, một Tổng thống Mỹ đương nhiệm bỏ ý định tái tranh cử. Trong quá khứ, Tổng thống Lyndon Johnson vào năm 1968 từng đưa ra quyết định tương tự. Thực tế, quyết định của ông Biden diễn ra muộn hơn vài tháng so với quyết định của ông Johnson, đánh dấu diễn biến gây sốc mới nhất trong chiến dịch tranh cử có tính cạnh tranh cao và đầy hỗn loạn vào Nhà Trắng. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. Nguồn: whitehouse.gov
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. Nguồn: whitehouse.gov

Thực tế, tuổi tác và những câu hỏi về sức khỏe lẫn độ minh mẫn của Biden đã được đặt ra kể từ lần đầu tiên ông tranh cử với ông Donald Trump vào năm 2020. Và màn trình diễn thiếu thuyết phục của ông trong cuộc tranh luận hôm 27.6 với ông Trump đầy khí thế lại khiến nhiều thành viên đảng Dân chủ lẫn các nhà tài trợ quan ngại. 

Trước quyết định rút lui của ông, nhiều chính trị gia trong nước và quốc tế đã bày tỏ ủng hộ. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết: “Tôi biết ông JoeBiden chưa bao giờ lùi bước trong chiến đấu. Việc ông ấy nhìn vào bối cảnh chính trị và quyết định rằng mình nên truyền ngọn đuốc cho người được đề cử mới chắc chắn là một trong những điều khó khăn nhất trong cuộc đời. Nhưng tôi biết ông sẽ không làm vậy trừ khi tin rằng nó phù hợp với nước Mỹ”. Ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ cũng có quan điểm tương tự. “Quyết định của ông ấy tất nhiên không hề dễ dàng, nhưng ông ấy một lần nữa đặt đất nước, đảng và tương lai của chúng ta lên hàng đầu. Ông JoeBiden cho thấy mình là con người yêu nước thực sự và là người Mỹ vĩ đại”, ông nói.

Đảng Dân chủ có lựa chọn Kamala Harris?

Đi kèm với quyết định từ chức, Tổng thống JoeBiden cho biết sẽ ủng hộ phó tướng của mình là bà Kamala Harris, 59 tuổi, tìm kiếm sự đề cử của đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ, và có thể trở thành phụ nữ da đen cũng như người Mỹ gốc Á đầu tiên dẫn đầu một đảng lớn. Ông viết trên mạng X: “Quyết định đầu tiên của tôi với tư cách là ứng cử viên của đảng vào năm 2020 là chọn Kamala Harris làm Phó Tổng thống”, “và đó là quyết định đúng đắn nhất mà tôi đã đưa ra. Hôm nay tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ và tán thành hoàn toàn của mình để Kamala trở thành ứng cử viên của đảng chúng ta năm nay”.

Đáp lại, bà Kamala Harris cho biết, bản thân cảm thấy “rất vinh dự khi nhận được sự tín nhiệm của Tổng thống và ý định của tôi là giành được đề cử này”, đồng thời cam kết “sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đoàn kết đảng Dân chủ - và đoàn kết đất nước chúng ta - để đánh bại ông Donald Trump và chương trình nghị sự của ông ấy”. Nhiều thành viên đảng Dân chủ nổi tiếng, trong đó có cựu Tổng thống Bill Clinton và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ bà Harris, mặc dù một số người, trong đó có cựu Tổng thống Barack Obama có ý kiến khác, kêu gọi một quy trình mở để xác định ứng cử viên xuất sắc có khả năng thay thế ông Biden nhất.

Một cuộc thăm dò của Washington Post-ABC News-Ipsos trong tháng này cho thấy, 44% người Mỹ nói chung cho biết họ sẽ “hài lòng” nếu ông Biden "bước sang một bên" và bà Harris trở thành ứng cử viên chính thức, bao gồm 70% đảng viên đảng Dân chủ và những người độc lập nghiêng về đảng này.

Cho đến nay, Thống đốc California Gavin Newsom, người được thảo luận về khả năng thay thế ông Biden vào năm ngoái, và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pete Buttigieg, người từng thách thức cả ông Biden lẫn bà Harris để giành đề cử của đảng Dân chủ vào năm 2020, đã lên tiếng ủng hộ bà.

Bà Harris, năm nay 59 tuổi, sinh ra ở Oakland, California, là con gái của một người mẹ gốc Ấn Độ và cha là người Jamaica. Bà theo học tại Đại học Howard ở Washington DC trước khi lấy bằng luật tại Đại học Luật California, San Francisco.

Phó Tổng thống Mỹ bắt đầu làm việc tại văn phòng luật sư quận Alameda, trước khi chuyển sang Văn phòng Luật sư quận San Francisco. Bà trở thành luật sư quận San Francisco vào năm 2003. Sau đó, được bầu làm Tổng chưởng lý của bang California, cơ quan thực thi pháp luật hàng đầu của bang, vào năm 2010 và tái đắc cử 4 năm sau đó. Bà Harris được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 2016 và trở thành nhân vật chỉ trích hàng đầu đối với ông Trump, đặc biệt là về chính sách nhập cư của ông.

Việc bà đặt câu hỏi quyết liệt đối với ứng cử viên Thẩm phán Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh vào năm 2018 đã giúp củng cố uy tín của bà với tư cách là một trong những “ngôi sao đang lên” của đảng Dân chủ. Bà Harris đã làm nên lịch sử khi là người phụ nữ da màu đầu tiên nắm giữ hầu hết mọi vai trò mà bà từng đảm nhiệm: Luật sư quận San Francisco, Tổng chưởng lý California, Thượng nghị sĩ bang California và Phó Tổng thống. Ngoài ra, bà Harris cũng là con gái đầu tiên của một người nhập cư từng được bầu làm Phó Tổng thống.

Nếu bà giành chiến thắng đề cử của đảng Dân chủ, đó sẽ là một vụ đặt cược mang tính lịch sử bởi bà sẽ đại diện cho một phụ nữ da màu vượt qua nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và những sai lầm của chính bà trong quá khứ. Trong hơn 2 thế kỷ, cử tri Mỹ chỉ bầu chọn một tổng thống da màu và chưa từng bầu chọn một phụ nữ nào, điều khiến ngay cả một số cử tri da màu cũng tự hỏi liệu bà Harris có thể phá vỡ được rào cản khó khăn nhất của nền chính trị Mỹ hay không?

Mọi việc vẫn đang ở phía trước

Dù có bảng thành tích cực kỳ ấn tượng, liệu bà Harris có đối đầu nổi với ông Trump hay không vẫn là câu hỏi lớn đối với đảng Dân chủ và mọi việc vẫn đang ở phía trước.

Các cuộc thăm dò gần đây được thực hiện sau màn tranh luận yếu kém của ông Biden với ông Trump không cho thấy bà Harris có nhiều khả năng đánh bại ông Trump hơn ông Biden vào tháng 11. Những người ủng hộ bà Harris cho rằng những cuộc thăm dò đó có thể thay đổi khi ông Biden rời cuộc đua.

Kết quả thăm dò mới đây của CNN về khả năng Phó Tổng thống Kamala Harris cạnh tranh với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 cho thấy, đó là cuộc đua sát sao, không có người dẫn trước rõ ràng. Trong khi một cuộc thăm dò của Economist/YouGov công bố vào tuần trước cho thấy ông Biden sẽ thua ông Trump với tỷ lệ 41% so với 43%; trong khi bà Harris có thể thua ông Trump với tỷ lệ 39% so với 44%.

Hơn nữa, mặc dù ông Biden đã tán thành đề cử bà Harris, nhưng điều đó không có nghĩa là bà sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ đảng Dân chủ, vào thời điểm vốn chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đại hội đảng này bắt đầu. Ứng cử viên được đề cử bây giờ sẽ do các đại biểu tham dự đại hội xác định. Dự kiến, Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ sẽ ​​​​được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 22.8 tại Chicago.

Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ, Jaime Harrison, mới đây tuyên bố đảng sẽ “thực hiện một quy trình minh bạch và có trật tự” để chọn ra “ứng cử viên có thể đánh bại ông Donald Trump vào tháng 11”. Và nhiệm vụ khó khăn sắp tới của các nhà lãnh đạo Dân chủ là cố gắng thuyết phục các đại biểu đoàn kết xung quanh một ứng cử viên và họ chỉ có hơn 100 ngày để thực hiện điều đó.

Thế giới 24h

Vùng Vịnh với tham vọng trở thành siêu cường AI
Quốc tế

Vùng Vịnh với tham vọng trở thành siêu cường AI

Trong vài năm qua, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đã tiến hành các bước đi quan trọng để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện nay, các nước vùng Vịnh khác, đặc biệt là Ảrập Xêút và Qatar, cũng đang tiếp bước khi đầu tư đáng kể vào công nghệ mới này.

Vụ hàng nghìn máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon: Nguy cơ leo thang căng thẳng
Quốc tế

Vụ hàng nghìn máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon: Nguy cơ leo thang căng thẳng

Ít nhất 9 người đã thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương, bao gồm Đại diện ngoại giao của Iran tại Lebanon, khi các máy nhắn tin phát nổ tại các thành trì của Hezbollah trên khắp Lebanon trong một vụ nổ đồng thời chưa từng có. Hezbollah và Chính phủ Lebanon đổ lỗi cho Israel rằng đây là một cuộc tấn công từ xa tinh vi.

Hồi hộp chờ đợi quyết định lãi suất của Fed
Thế giới 24h

Hồi hộp chờ đợi quyết định lãi suất của Fed

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có cuộc họp chính sách vào ngày 17 - 18.9. Các nhà phân tích và nhà đầu tư đang theo dõi từng diễn biến để xem Fed sẽ quyết định nới lỏng lãi suất đến mức nào, hứa hẹn sẽ tạo ra những chấn động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Kenya: Kêu gọi xây dựng luật về an toàn trường học
Thế giới 24h

Kenya: Kêu gọi xây dựng luật về an toàn trường học

Sau vụ hỏa hoạn gần đây tại Học viện Hillside Endarasha ở Quận Nyeri khiến 21 học sinh thiệt mạng, hai công dân Kenya đã kiến ​​nghị lên Quốc hội yêu cầu ban hành Luật An toàn và an ninh trường học toàn diện. Ông Anthony Manyara và ông John Wangai, những người kiến ​​nghị, lập luận rằng cần có khuôn khổ pháp lý cụ thể để giải quyết mối đe dọa ngày càng gia tăng của các thảm họa liên quan đến trường học trên khắp cả nước.

Bầu cử Tổng thống Mỹ và tương lai quan hệ Mỹ - Trung
Thế giới 24h

Bầu cử Tổng thống Mỹ và tương lai quan hệ Mỹ - Trung

Khi Hoa Kỳ tiến gần đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, động thái giữa hai ứng cử viên hàng đầu là bà Kamala Harris và ông Donald Trump, đang có những tác động đáng kể đến quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, đánh giá quan điểm của các cố vấn chủ chốt của hai ứng cử viên có thể giúp phát hiện sự khác biệt trong cách tiếp cận của họ đối với Trung Quốc.

Australia: Hành vi chia sẻ dữ liệu cá nhân trực tuyến ác ý sẽ bị phạt tù tới 7 năm
Quốc tế

Australia: Hành vi chia sẻ dữ liệu cá nhân trực tuyến ác ý sẽ bị phạt tù tới 7 năm

Để tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân của công dân và bảo đảm quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số, Chính phủ Australia đã trình dự thảo Luật sửa đổi về quyền riêng tư và các quy định khác năm 2024 lên Quốc hội. Do Bộ trưởng Tư pháp Mark Dreyfus thúc đẩy, dự luật này nhằm củng cố pháp luật về quyền riêng tư, đặc biệt tập trung vào việc hình sự hóa hành vi chia sẻ dữ liệu cá nhân một cách ác ý (doxxing).

Ông Donald Trump. Ảnh: Reuters
Quốc tế

Ông Trump nghi bị ám sát hụt lần hai

Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump một lần nữa may mắn thoát khỏi một vụ việc, mà FBI cho rằng là một âm mưu ám sát vào hôm 15.9, khi ông đang chơi trên sân golf của mình ở West Palm Beach, Florida.

Australia tăng cường chăm sóc người cao tuổi
Quốc tế

Australia tăng cường chăm sóc người cao tuổi

Nhằm định hình lại lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, Chính phủ Australia mới đây đã trình dự thảo Luật Chăm sóc người cao tuổi năm 2024. Nếu được thông qua, nó sẽ thay thế luật hiện hành và thúc đẩy các cải cách toàn diện về cách cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trên toàn quốc.