Buông lỏng quản lý?
- Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Phí và lệ phí của UBTVQH vừa diễn ra, rất nhiều ý kiến cho rằng, hiện vẫn tồn tại nhiều khoản thu tùy tiện. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Pháp lệnh về phí và lệ phí ban hành kèm danh mục 73 loại phí cụ thể trong 12 lĩnh vực và 43 loại lệ phí trong 5 lĩnh vực. Như vậy, thiết kế chính sách không biến phí và lệ phí trở thành gánh nặng. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện lại giao quyền quá lớn cho bộ, ngành và địa phương, dẫn đến việc phát sinh nhiều loại phí, lệ phí không có trong danh mục kèm theo Pháp lệnh. Bên cạnh đó, theo thống kê từ Bộ Tài chính, những năm gần đây, tỷ lệ để lại số tiền thu được từ phí, lệ phí cho cơ quan hành chính là 60%, còn lại nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN). Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp, tỷ lệ tương ứng là 90% và 10%. Như vậy, người ta sẽ tìm cách mà thu “cật lực”.
- Việc buông lỏng bản chất phí, lệ phí được biểu hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Về bản chất, lệ phí là khoản thu mang tính tượng trưng, còn phí là để trả cho một dịch vụ nào đó nhưng hiện nay chúng ta không phân biệt rõ sự khác biệt giữa phí và giá, khi nào phí là giá và khi nào giá trở thành phí, bị lẫn lộn sang phí hành chính, thậm chí lẫn lộn cả phí và lệ phí. Một số loại phí là giá dịch vụ công song vừa chưa xác định rõ khái niệm dịch vụ công, phân biệt dịch vụ công với dịch vụ công ích, công cộng, vừa thiếu cơ chế xác định giá dịch vụ công trong nền kinh tế thị trường có định hướng của Việt Nam.
Thêm nữa, nếu quan điểm là giá, phí phải nộp hay lệ phí nộp tượng trưng thì sẽ xác định mức thu khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không phân biệt được là phí có phải bù đắp chi phí đã bỏ ra không, thậm chí lợi nhuận bao nhiêu cũng không xác định được, dẫn đến thu quá nhiều loại trên một đối tượng, không có căn cứ xác định mức thu vì chẳng hiểu để hoàn lại chi phí bỏ ra một phần hay toàn bộ chi phí hay thậm chí có lợi nhuận… Đó là những rào cản khi triển khai thực hiện Pháp lệnh 2001 và cần phải khắc phục.
- Vậy theo ông, cần hiểu thế nào cho đúng về giá, phí, lệ phí?
- Về nguyên tắc, phí liên quan đến dịch vụ. Phí mà chúng ta hay dùng là giá dịch vụ. Cái quan trọng đầu tiên là phải phân loại giá, phí có tính chất giá, phí hiểu theo nghĩa Pháp lệnh 2001 và tới đây là Luật Phí và lệ phí, phải phân biệt dựa trên phân loại dịch vụ. Ví dụ, dịch vụ mang tính thị trường như dạy học, chữa bệnh thì đó là câu chuyện về giá (dịch vụ công). Còn cũng là dịch vụ công, do cơ quan nhà nước thực hiện hoặc ủy quyền thực hiện, không mang tính thị trường mà mang tính quyền lực của Nhà nước thì đó là phí. Phải phân loại được dịch vụ thì sẽ phân loại được đâu là giá, phí và lệ phí.
- Việc để xảy ra nhiều khoản thu tùy tiện phải chăng vì chúng ta chưa kịp thời xây dựng Luật Phí và lệ phí, thưa ông?
- Tôi nghĩ quan trọng hơn cả là chúng ta thiết kế nội dung quy định như thế nào chứ không phải là có ban hành luật hay không. Nếu quy định chặt chẽ về thẩm quyền ban hành phí, lệ phí thì dù có là Pháp lệnh, nó cũng sẽ không bị bung ra như thế.
Sẽ giảm nguồn thu
- Ông đánh giá thế nào về tác động của việc siết lại các loại phí, lệ phí tới ngân sách?
- Rõ ràng việc siết chặt các loại phí, lệ phí sẽ khiến ngân sách giảm đi một nguồn thu không nhỏ. Đơn cử như việc từ ngày 1.1.2012, khi Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực, số thu phí của các địa phương giảm mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số thu ngân sách trung ương từ phí và lệ phí cũng có xu hướng giảm do một số loại phí chuyển sang cơ chế giá như phí kiểm định, phí đấu thầu… Tuy nhiên, việc điều chỉnh, siết chặt lại các khoản phí, lệ phí theo tinh thần dự án Luật Phí và lệ phí là cần thiết, bởi thuế mới là nguồn thu chính và là công cụ điều tiết vĩ mô, còn phí và lệ phí chỉ là nguồn thu phụ và không phải là công cụ điều tiết vĩ mô chủ yếu. Tuy nhiên thời gian qua, chúng ta đang biến phí, lệ phí trở thành công cụ điều tiết vĩ mô.
- Theo ông, cần phải làm gì để khi Luật Phí và Lệ phí được ban hành thì phí, lệ phí sẽ không còn là gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp?
- Trước tiên, chúng ta cần có những đánh giá trung thực, khách quan, đầy đủ và chính xác về tình hình thu phí và lệ phí trong những năm qua, đồng thời xác định rõ mục tiêu của phí và lệ phí trong những năm tới. Tiếp đó, phải quy định rõ thẩm quyền, cấp nào được ban hành phí, lệ phí mới; hệ thống thu, nộp, sử dụng phí ra sao, tiền thu được đưa vào ngân sách Trung ương hay địa phương. Ngoài ra, mức thu phí, lệ phí dựa trên căn cứ nào, hoàn đầy đủ chi phí hay hoàn một phần chi phí; loại nào phát sinh lợi nhuận, loại nào phi lợi nhuận. Trong trường hợp tiền phí, lệ phí thu được không phát sinh lợi nhuận thì ai làm, nếu đã phát sinh ra lợi nhuận thì cơ quan nhà nước có làm không?... Cần quy định chặt chẽ, cụ thể hóa các quy định này trong Luật để tránh việc lạm dụng phát sinh nhiều loại phí, kìm hãm sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
- Xin cảm ơn ông!