Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Thoát nước Hà Nội) mới đây đã công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán.
Theo đó, tại ngày 31.12.2022, khối lượng chế phẩm Redoxy-3C còn tồn kho là 3.084 kg, tương ứng số tiền phản ánh trên sổ kế toán là: 943.704.000 đồng, theo thông tin trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất, chế phẩm đã hết hạn sử dụng vào ngày 1.10.2021. Toàn bộ chế phẩm hết hạn này đã được Công ty trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Liên quan đến khối lượng tồn kho hết hạn sử dụng nêu trên, Công ty Thoát nước đã báo cáo báo cáo UBND Thành phố, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Khoa học công nghệ và Sở Tư pháp về việc đề nghị hướng dẫn công tác xử lý đối với khối lượng vật tư là chế phẩm Redoxy-3C tồn kho, hết hạn sử dụng từ ngày 1.10.2021. Tuy nhiên, đến thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2022, Công ty vẫn chưa nhận được sự hướng dẫn cụ thể.
Theo giải trình của Thoát nước Hà Nội, năm 2020, công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là nhà thầu được lựa chọn để thực hiện Gói thầu số 4 và Gói thầu số 2 theo quyết định 169/QĐ-SXD ngày 12.3.2020 và số 198/QĐ-SXD ngày 26.3.2020 của Sở Xây dựng Hà Nội, trong đó bao gồm hạng mục duy trì, xử lý ô nhiễm nước hồ. Sau khi hồ sơ dự toán công tác duy trì, xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ được Sở Xây dựng phê duyệt, Công ty và Công ty Thương mại dịch vụ Arktic (“Công ty Arktic”) đã thực hiện ký hợp đồng ngày 20.6.2020 để mua 110.022 kg chế phẩm Redoxy – 3C với tổng kinh phí 37.221.294.000 đồng nhằm đảm bảo nhiệm vụ xử lý ô nhiễm môi trường hồ thực hiện theo hồ sơ dự toán được Sở Xây dựng duyệt.
Căn cứ quy định hợp đồng đã ký giữa hai bên, Công ty thực hiện tạm ứng cho nhà cung cấp là Công ty Thương mại Arktic 11.116.388.200 đồng (tương đương 30% giá trị hợp đồng).
Đồng thời Công ty đã thực hiện một phần khối lượng xử lý hồ theo dự toán được duyệt trong các tháng 7, tháng 8.2020, được Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị xác nhận khối lượng thực hiện nhưng chưa được nghiệm thu, thanh quyết toán nên chưa được ghi nhận doanh thu năm 2020.
Hiện tại, việc xử lý ô nhiễm môi trường các hồ tại Hà Nội đang tạm ngừng thực hiện do nguyên nhân khách quan nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng mua chế phẩm với Công ty Arktic. Quá trình thực hiện, Công ty đã báo cáo xin ý kiến UBND Thành phố Hà Nội và các Sở ngành có liên quan. Đến nay, đã có các văn bản phản hồi của Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; Sở Xây dựng Hà Nội và của UBND Thành phố Hà Nội nhưng các khó khăn vướng mắc của Công ty vẫn chưa được hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết. Do những trở ngại khách quan nêu trên, Công ty không có đủ cơ sở để nhận hàng và thanh toán hợp đồng với công ty Arktic. Công ty đã có văn bản gửi Công ty Akitic, đồng thời báo cáo UBND thành phố Hà Nội để xin ý kiến chỉ đạo bằng văn bản, hướng dẫn việc nhận hàng hoá thực hiện hợp đồng với Công ty Thương mại dịch vụ Arktic để có cơ sở đàm phán nhằm hạn chế rủi ro, tổn thất trong trường hợp xảy ra phát sinh tranh chấp hợp đồng giữa hai bên.
Theo tìm hiểu, liên quan đến chế phẩm Redoxy-3C còn tồn kho là 3.084 kg, tháng 12.2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt tù bị cáo Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2016, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn thành phố bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung khi đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm Redoxy-3C, thông qua Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Arktic (do Nguyễn Trường Giang làm Giám đốc). Đây là công ty gia đình của bị cáo Nguyễn Đức Chung. Với động cơ vụ lợi, hành vi nêu trên gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng tài sản của Nhà nước.
Do liên quan đến vụ án nêu trên nên việc dùng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước các hồ đã phải tạm dừng và dẫn tới việc tồn đọng hơn 3 tấn chế phẩm đã quá hạn nhưng chưa có biện pháp xử lý. Tình trạng nêu trên đặt ra vấn đề về sự lãng phí nguồn ngân sách bỏ ra mua chế phẩm cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục thông tin về sự việc đến bạn đọc và cử tri cả nước.