Đặc biệt, đối với quy định về phổ biến phim trên không gian mạng, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định, cơ chế mới để hỗ trợ hữu ích cho cơ chế hậu kiểm như: Cơ chế kiểm soát của cha mẹ đối với phim được phổ biến; nghĩa vụ của nền tảng trung gian trong việc kiểm soát phim phổ biến trên nền tảng.
Tuy nhiên, vẫn còn nội dung chưa rõ ràng liên quan đến chủ thể được phép phổ biến phim trên mạng. Cụ thể, Khoản 1, Điều 21, dự thảo Luật đã thu hẹp hơn (so với các phiên bản trước đây) về phạm vi đối tượng được phép phổ biến phim trên mạng theo hướng quy định: "Chủ thể được phổ biến phim trên không gian mạng là cơ sở điện ảnh phổ biến phim".
Khái niệm "cơ sở điện ảnh" trong dự thảo Luật được định nghĩa là: "Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức khác do tổ chức, cá nhân thành lập, thực hiện các hoạt động điện ảnh theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan". Định nghĩa này có thể dẫn đến cách hiểu là "cơ sở điện ảnh" phải là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam.
Chiếu theo cách hiểu này, các doanh nghiệp nước ngoài muốn phổ biến phim trên không gian mạng, cụ thể là cung cấp dịch vụ nội dung (ví dụ dịch vụ nội dung theo yêu cầu trên không gian mạng - dịch vụ VOD) cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam sẽ không được trực tiếp cung cấp dịch vụ theo hình thức xuyên biên giới. Thay vào đó, doanh nghiệp nước ngoài bị bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam trước khi cung cấp dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ không cho phép việc phổ biến phim trên mạng của các doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức xuyên biên giới.
Quy định và cách hiểu như trên sẽ dẫn đến hệ quả là pháp luật điện ảnh Việt Nam không phù hợp với các thông lệ tốt nhất của thế giới và trái với các cam kết quốc tế của Việt Nam đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới. Cụ thể, Chương X (Thương mại xuyên biên giới) của Hiệp định CPTPP - Việt Nam là một bên ký kết - quy định rất rõ: "Không Bên nào được yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ của một Bên khác phải thiết lập hoặc duy trì văn phòng đại diện hay bất kỳ hình thức doanh nghiệp nào, hoặc phải sinh sống, trên lãnh thổ Bên đó như một điều kiện để cung cấp dịch vụ xuyên biên giới".
Không những vậy, việc buộc doanh nghiệp nước ngoài phải thành lập công ty tại Việt Nam còn làm tăng chi phí gia nhập thị trường và dựng lên các rào cản gia nhập thị trường cao một cách bất hợp lý, cản trở sự phát triển của các nhà cung cấp nội dung có uy tín đang cung cấp cho người tiêu dùng những nội dung được tuyển chọn kỹ lưỡng và hợp pháp.
Từ những căn cứ nêu trên, dự thảo Luật cần điều chỉnh định nghĩa cơ sở điện ảnh hoặc điều khoản về chủ thể được phép phổ biến phim tại Điều 21 để bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và các thông lệ tốt trên thế giới, cũng như bảo đảm các điều kiện tiếp cận thị trường công bằng, minh bạch đối với nhà đầu tư nước ngoài.