Hạnh phúc với quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội
- 5 năm làm đại biểu Quốc hội để lại cho bà những cảm xúc như thế nào?
- Nhiệm kỳ 5 năm trôi qua rất nhanh, nhìn lại chặng đường này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đã luôn cố gắng, nỗ lực để mang những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến với diễn đàn Quốc hội. Chúng tôi luôn trăn trở làm sao để truyền tải tốt nhất tiếng nói của cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến với Quốc hội, để chính sách gắn với thực tiễn, phát huy tốt thế mạnh địa phương, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững. Vì vậy, khi tham gia xây dựng luật và chính sách, chúng tôi luôn nhìn từ góc độ của cử tri ở địa phương để đưa ra những ý kiến phù hợp. Chúng tôi đã đi giám sát thực tế tình hình đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất của đồng bào như dinh dưỡng cho trẻ em, đất ở, đất sản xuất, nhà ở cho người nghèo, nước sinh hoạt, rà phá bom mìn, quy tập hài cốt liệt sĩ...; đồng thời có kiến nghị trên nghị trường về những vấn đề này.
Là đại biểu Quốc hội Khóa XIV, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì lần đầu tiên Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18.11.2019) và sau đó đã phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19.6.2020). Bởi vì vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là lõi nghèo của cả nước, cử tri ở đó đâu muốn khoác "chiếc áo nghèo" mà một phần do điều kiện tự nhiên, điểm xuất phát kinh tế thấp nên dù cần cù, kiên cường đến đâu vẫn rất khó để phát triển. Chính sách dân tộc tổng thể được Quốc hội quyết định chính là cơ hội rất lớn để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển.
- Với vai trò nữ đại biểu Quốc hội, hoạt động ở vùng miền núi, bà có gặp phải khó khăn, trở ngại gì không?
- Địa hình của tỉnh Hà Giang bị chia cắt, hệ thống giao thông đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội còn thấp nên chúng tôi cũng gặp phải khó khăn không nhỏ trong quá trình hoạt động. Tuy vậy, khó nhất vẫn là vượt qua rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Để cử tri thật sự tin tưởng và chia sẻ, tiếp nhận thông tin do đại biểu Quốc hội truyền tải, chúng tôi đã phải tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống của đồng bào, mời người phiên dịch tiếng của đồng bào khi đến những vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhưng từ đây, chúng tôi cũng rút ra kinh nghiệm, đó là sự chân thành và phương pháp đúng sẽ dẫn đến thành công.
Phần thưởng lớn nhất là sự tin tưởng của cử tri
- Như bà nói, Quốc hội đã thông qua hai nghị quyết mang tính lịch sử đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có đóng góp không nhỏ của những đại biểu ở vùng này, thưa bà?
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang và cá nhân tôi đặc biệt tâm huyết với Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ngay từ khi Quốc hội cho chủ trương và Ban soạn thảo của Chính phủ xây dựng đề án, chúng tôi đã chủ động tổ chức các hội thảo, mời đại diện Ban soạn thảo lên Hà Giang để trao đổi ý tưởng, và mong muốn Ban soạn thảo lắng nghe nguyện vọng của đại diện cử tri và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương... với kỳ vọng sẽ có một đề án khoa học, đáp ứng nguyện vọng của người dân và khắc phục được những tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc trước đây.
Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri để lấy ý kiến rộng rãi của đồng bào với chính sách này. Tại diễn đàn Quốc hội, tất cả thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đều rất tích cực tham gia phát biểu, tranh thủ tối đa thời gian để truyền tải ý kiến. Do thời gian phát biểu hạn chế, chúng tôi còn viết bài, tham gia ý kiến với Ban soạn thảo.
Nhân dịp này tôi xin trân trọng cảm ơn Hội đồng Dân tộc đã tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề với chính sách dân tộc để phát hiện những vấn đề cần phát huy, những tồn tại phải rút kinh nghiệm để có đề xuất hết sức xác đáng trong quá trình hoàn thiện Đề án và Chương trình mục tiêu Quốc gia trình Quốc hội thông qua. Ủy ban Dân tộc cũng đã cùng Hội đồng Dân tộc chuẩn bị cho các đại biểu Quốc hội rất nhiều tư liệu là luận chứng, luận cứ để tham gia vào chính sách một cách khách quan, khoa học, hiệu quả.
Việc ban hành đề án và việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã làm tăng niềm tin tưởng, và sự kỳ vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước, với tình cảm của đồng bào miền xuôi. Hy vọng rằng, khi đi vào triển khai thực hiện, với cách thức bài bản, khoa học, nhất là nguồn lực được bảo đảm, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ có cơ hội để phát triển tốt hơn.
- Với bà, đâu là phần thưởng lớn nhất khi đảm nhiệm vai trò người đại biểu của Nhân dân?
- Phần thưởng lớn nhất với tôi chính là sự tin tưởng của cử tri. Tôi rất xúc động khi mỗi lần phát biểu tại diễn đàn Quốc hội đều nhận được những phản hồi tích cực của cử tri. Tôi nhận được nhiều bức thư tay, những cuộc điện thoại, tin nhắn động viên và những dặn dò, gửi gắm để tôi vững tâm thực hiện nhiệm vụ. Có lần, các bác cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên còn đến thăm tôi tại nơi nghỉ của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang khi về Hà Nội họp. Tôi thấy vui vì như vậy có nghĩa là mình đã chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội.
Làm đại biểu của Nhân dân cũng là một cơ hội quý giá để tôi học tập và hoàn thiện bản thân, vừa học hỏi được từ các đại biểu Quốc hội khác về kiến thức, kỹ năng hoạt động và đặc biệt, vừa học được từ cử tri và Nhân dân sự kiên trì, cần mẫn và khát vọng vươn lên mãnh liệt trong cuộc sống. Chính vì thế, dù ở vị trí công tác nào, tôi luôn tâm niệm sẽ hết sức cố gắng để không phụ sự tin tưởng của người dân.
- Xin cảm ơn bà!