Theo quy định hiện hành, chỉ có khoản trợ cấp thôi việc chi trả theo Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế. Nếu khoản trợ cấp từ 2 triệu đồng trở lên và được chi trả sau thời điểm kết thúc hợp đồng, lao động bị khấu trừ 10%. Trường hợp của Pou Yuen, do công ty đã trả một khoản ngoài quy định cho người lao động nên phải tính vào phần thu nhập chịu thuế. Sau này, khi làm thủ tục khai quyết toán thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần trên toàn bộ thu nhập chịu thuế trong năm, người lao động sẽ được hoàn trả nếu nộp thừa.
Như vậy có thể thấy, việc trừ 10% thuế thu nhập cá nhân với khoản trợ cấp thôi việc của các công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam là đúng quy định hiện hành! Vậy nhưng quy định này có hợp lý hay không lại là câu chuyện khác!
Về mặt tình, dễ thấy những công nhân này đang rơi vào cảnh mất việc, rất khốn khó. Số tiền vài chục triệu đồng nghe thì lớn nhưng so với một tương lai bấp bênh đang chờ họ ở phía trước chắc chắn không thấm vào đâu. Đánh thuế thu nhập với khoản trợ cấp thôi việc của họ - vì vậy thật sự là rất không nên! Giả sử sau này được hoàn thuế thu nhập cá nhân thì vấn đề này không phải công nhân nào cũng biết, cũng rành nên khả năng họ sẽ chấp nhận “bỏ qua” và chịu thiệt!
Về mặt lý, mức khởi điểm trợ cấp để đánh thuế và cách “cào bằng” - cứ được trợ cấp từ 2 triệu đồng trở lên phải đóng thuế 10% rõ ràng là chưa hợp lý. Thuế thu nhập cá nhân còn chia bậc để nộp thuế; cớ gì tiền trợ cấp không chia bậc để giảm gánh nặng thuế, phí cho những người lao động vốn đang ở hoàn cảnh khó khăn đến mức phải được trợ giúp? Hơn nữa, mức 2 triệu đồng này quy định trong Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành năm 2013. Mười năm trôi qua đủ làm cho định mức này trở nên quá lỗi thời!
Nhìn rộng hơn, liên quan đến thuế thu nhập cá nhân còn rất nhiều vấn đề bất cập, ngoài mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc đã được nói đến lâu nay. Chẳng hạn, mức chi tiền ăn trưa tối đa không chịu thuế thu nhập cá nhân là 730.000 đồng/người/tháng, phần vượt quá số tiền này sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân (theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính và Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Ví dụ, nếu người lao động được hỗ trợ tiền ăn trưa 1 triệu đồng thì sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân đối với 270.000 đồng. Có lẽ không nhiều lao động biết về quy định này! Nếu biết, chắc chắn họ không khỏi có cảm giác bị “tận thu”.
Từ việc đánh thuế khoản tiền trợ cấp thôi việc của công nhân Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, càng thấy việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành là vô cùng cấp bách để có những định mức phù hợp với thực tế, bảo đảm khoan thư sức dân. Theo kế hoạch xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân được xem xét sửa đổi trong giai đoạn 2023 - 2025. Dự thảo báo cáo của Chính phủ đề xuất trình Quốc hội dự luật này vào tháng 10.2025, thông qua tháng 5.2026 là có phần chậm trễ và trì hoãn. Điều này có nghĩa gánh nặng thuế sẽ tiếp tục chất lên vai người dân thêm vài năm nữa!