Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, việc 7 doanh nghiệp bị tước giấy phép thể hiện sự quyết liệt của Bộ Công Thương trong hoạt động quản lý kinh doanh xăng dầu.
Đồng tình với sự kiên quyết của Bộ Công thương trong hoạt động quản lý kinh doanh xăng dầu từ việc tước giấy phép 7 doanh nghiệp đầu mối (xuất nhập khẩu) xăng dầu vừa qua, chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, gần đây Bộ Công Thương đã có những động thái chỉ đạo và triển khai rất quyết liệt liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, nổi bật trong vấn đề quản lý cũng như phân phối giá cả bán lẻ xăng dầu.
“Điều này sẽ giúp tạo tiền đề tốt và gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm, thực hiện có hiệu quả hơn chủ trương, chính sách của nhà nước xung quanh vấn đề kiểm soát lạm phát nói chung và giá xăng dầu nói riêng” – ông Phong nói.
Đặc biệt, qua công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp xăng dầu và tiến hành xử phạt vi phạm đối với 7 doanh nghiệp trên cho thấy sự kiên quyết trong hoạt động quản lý kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương như vậy là rất cần thiết. Thông qua những biện pháp xử phạt đối với các doanh nghiệp đầu mối sai phạm đã hiện sự kiên quyết của Bộ Công Thương không chỉ khuyến nghị, quán triệt mà còn thực sự hành động và sử dụng các công cụ rất nghiêm khắc.
Chuyên gia Nguyễn Minh Phong |
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, việc Bộ Công Thương công khai minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu là rất đáng hoan nghênh, vì đây cũng là yêu cầu mà Chính phủ đã nêu ra, các đơn vị chức năng phải thực hiện và Bộ Công Thương cũng đã thực hiện.
Tuy nhiên, ông Phong cho rằng, việc công khai cần có sự phổ cập rộng hơn qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, truyền hình để lan toả hơn nữa khẳng định, quyết tâm có hiệu lực hiệu quả của ngành trong quản lý thị trường.
Ngoài ra, Bộ cũng cần tăng cường các hoạt động về tiếp cận thông tin, tiếp nhận ý kiến của thị trường, của người dân, của hội tiêu dùng về xăng dầu nhằm giúp nhận diện nhanh hơn, đầy đủ, toàn diện hơn những sai phạm cần tháo gỡ trong quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, trên Website "Công khai minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu" của Bộ Công Thương đã đăng tải 7 doanh nghiệp đầu mối (xuất nhập khẩu) bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, các doanh nghiệp bị tước giấy phép gồm: Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng kể từ ngày 26/7/2022); Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 18/7/2022); Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 13/7/2022);
Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 28/7/2022); Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 19/7/2022);
Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 7/7/2022); Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 12/7/2022).
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Thực hiện nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước, giao Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu |
Theo Bộ Công Thương, căn cứ hồ sơ, tài liệu mà các đối tượng thanh tra; hồ sơ, tài liệu của các đơn vị, cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt đông kinh doanh xăng dầu cung cấp, qua quá trình thanh tra, các Trưởng đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với các đối tượng thanh tra và thực hiện chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt, bao gồm các hành vi vi phạm chủ yếu như: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định;
Không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc hoặc duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định; Nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân giao hằng năm; Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối; Ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý xăng dầu theo quy định;
Bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân mà không thuộc trường hợp bán cho thương nhân đầu mối khác, thương nhân phân phối xăng dầu, đơn vị trực tiếp sản xuất và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; Ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân kinh doanh xăng dầu đó đang là đại lý xăng dầu của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác.
Căn cứ biên bản vi phạm hành chính của các Trưởng đoàn Thanh tra, người có thẩm quyền xử phạt đã tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hầu hết các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về các hành vi vi phạm hành chính nêu trên.
Bên cạnh hình thức xử phạt chính (phạt tiền) còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 1,5 - 2 tháng) và biện pháp khắc phục hậu quả (buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính) căn cứ theo quy định của pháp luật.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Thực hiện nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước, giao Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để người có thẩm quyền xử phạt làm thủ tục giữ theo thời hạn tương ứng được ghi trong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.