Tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Indonesia, chiều nay, 5.8, tại Thủ đô Jakarta, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Chính sách, pháp luật về thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư Việt Nam – Indonesia.
Diễn đàn do Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, Bộ Công thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia tổ chức, thu hút sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp hai nước.
Tham dự Diễn đàn có các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia Arsjad Rasjid; Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác liên nghị viện, Hạ viện Indonesia Pitu Supapma; Phó Chủ tịch Ủy ban 6 về Thương mại, Công nghiệp, Đầu tư, Hợp tác, Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Các vấn đề về doanh nghiệp Nhà nước, Hạ viện Indonesia Aria Bima.
Xích lại gần nhau, cùng hướng tới tương lai tự cường, thịnh vượng, bền vững
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Phó Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên nghị viện, Hạ viện Indonesia Pitu Supapma nhấn mạnh, Diễn đàn là cơ hội rất lớn để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai nước, đặc biệt là hợp tác về thương mại và đầu tư. Việt Nam và Indonesia có những điểm tương đồng về cấu trúc kinh tế. Hai nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đóng góp của ASEAN đối với nền kinh tế toàn cầu, chiếm hơn 60% tổng GDP của các nước ASEAN. Việt Nam hiện trở thành đối tác thương mại lớn thứ 11 của Indonesia với tổng kim ngạch thương mại đạt 14 tỷ USD vào năm 2022 và con số này sẽ còn tăng hơn nữa trong những năm tới.
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Indonesia Arsjad Rasjid bày tỏ ấn tượng với sự phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm qua; cho rằng, đây là hình mẫu cho các quốc gia ASEAN có thể học hỏi trong đó có cả Indonesia. Nhấn mạnh, Indonesia nhận thức được những lợi ích to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam, một trong những đối tác chặt chẽ nhất, lâu đời nhất và bền bỉ nhất kể cả trong thời kỳ khủng hoảng, ông Arsjad Rasjid hy vọng, qua diễn đàn, hai nước sẽ ngày càng xích lại gần nhau hơn và cùng hướng tới một tương lai tự cường, thịnh vượng, bền vững.
Hợp tác cùng phát triển các chuỗi cung ứng mới
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau hơn 37 năm tiến hành công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.
Từ một đất nước bị khủng hoảng kinh tế - xã hội, từ năm 1986, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao liên tục khoảng 6%/năm, một thị trường tiềm năng với 100 triệu dân có tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng và một điểm đến hấp dẫn, an toàn của du khách quốc tế; có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia và tham gia hơn 70 diễn đàn, tổ chức khu vực.
Từ một nước viện tiếp nhận viện trợ nhân đạo, Việt Nam nay đã trở thành đối tác tin cậy và trách nhiệm ở khu vực và toàn cầu, hoàn thành tốt nhiều trọng trách quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc và tại COP26 Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đã xác định 2 mục tiêu phát triển 100 năm: đến 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu và khát vọng nói trên, Việt Nam xác định nội lực là cơ bản quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong đó, Việt Nam luôn xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành, hữu cơ quan trọng của nền kinh tế và tập trung xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn. Đến nay, Việt Nam đã có 37.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ USD, đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong 20 nước thu hút FDI thành công nhất trên thế giới. Ngoài lực lượng lao động đông đảo, có trình độ học vấn và chi phí sản xuất cạnh tranh, Việt Nam đang có 16 hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có nhiều hiệp định FTA thế hệ mới (như CPTPP, RCEP, EVFTA…) với hơn 60 nước và vùng lãnh thổ.
Trong lĩnh vực kinh tế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Indonesia là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện tại, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ 30 trên toàn thế giới. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 14 tỷ USD, sớm đạt mục tiêu 15 tỷ USD được Lãnh đạo hai nước đặt ra cho đến năm 2028.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong các cuộc hội đàm, trao đổi với Lãnh đạo Indonesia, hai bên đã luôn có nhận thức chung rằng, trong xu thế tái cấu trúc mạnh mẽ dòng thương mại và đầu tư trên quy mô toàn cầu, trong điều kiện thế giới bất ổn và rất khó lường như hiện nay, Việt Nam và Indonesia rất cần thiết và hoàn toàn có thể tăng cường tạo thuận lợi thương mại cho nhau, không áp đặt các rào cản thương mại phi thuế quan, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác để hình thành và cùng nhau phát triển các chuỗi cung ứng mới có tính chiến lược mà hai bên có thế mạnh để tạo ra các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp và thủy sản, công nghiệp Halal và du lịch…
"Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, ổn định và khả thi, luôn đồng hành và coi sự thành công của doanh nghiệp FDI là thành công của chính mình. Đó là thông điệp nhất quán mà chúng tôi gửi đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Indonesia", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Nhất trí nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Indonesia Arsjad Rasjid, Phó Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên nghị viện, Hạ viện Indonesia Pitu Supapma, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai nước có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh hợp tác để tham gia các chuỗi cung ứng có liên quan đến năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng công bằng, kinh tế số, chuyển đổi số, lĩnh vực tăng trưởng xanh và nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, hợp tác biển và hợp tác nghề cá...
Nhấn mạnh rằng, cách tốt nhất để dự đoán tương lai là chúng ta kiến tạo ra nó, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng và hy vọng rằng, tại Diễn đàn, các doanh nghiệp sẽ trao đổi, tìm hiểu, tận dụng các cơ hội hợp tác và đầu tư vào thị trường của nhau. "Tương lai quan hệ hợp tác Việt Nam – Indonesia phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác năng động, sáng tạo, hiệu quả của chính các doanh nghiệp", Chủ tịch Quốc hội nói.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ khai trương đường bay thẳng thành phố Hồ Chí Minh – Jakarta của Vietjet Air. Jakarta là đường bay thứ 3 đến với đảo quốc Indonesia mà Vietjet có đường bay thẳng tới, nâng tổng số chuyến bay giữa hai nước Việt Nam – Indonesia lên 84 chuyến bay mỗi tuần từ tháng 8 này.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã chứng kiến lễ ký Thoả thuận hợp tác giữa: Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam và Công ty Black Diamond Resources TBK và Công ty Sinar Multi Surya Cemerlang; Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam và Công ty Virema Impex.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã trao đổi, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp Indonesia quan tâm, nhất là các chính sách của Việt Nam về công nghiệp, thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài.