Vẫn còn lơ là trong tiêm phòng vaccine
Tại Hội nghị phòng chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2023 ngày 3.11, Phó Cục trưởng Cục Thú ý Phan Quang Minh cho biết, 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam về cơ bản kiểm soát tốt các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm so với cùng kỳ 2022.
Theo đó, dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch giảm 60% và số lợn chết, tiêu hủy giảm 68%. Số lượng vaccine đã cung ứng sử dụng từ lúc cấp phép lưu hành trên 1,3 triệu liều. Số lượng vaccine xuất khẩu là 300.000 liều sang các nước. Số lượng vaccine đã sản xuất và đang sẵn sàng cung ứng thời gian tới là trên 2 triệu liều.
Đối với dịch cúm gia cầm, số ổ dịch giảm 54% và số gia cầm chết, tiêu hủy giảm 63%. Doanh nghiệp đã cung ứng 474,5 triệu liều vaccine cúm gia cầm; bảo quản tại kho 107,9 triệu liều. Dự kiến sản xuất nhập khẩu 2 tháng cuối năm 93 triệu liều. Số ổ dịch lở mồm long móng tăng không đáng kể; hiện vaccine lở mồm long móng trên 42,9 triệu liều; bảo quản tại kho 11,7 triệu liều, 2 tháng cuối năm dự kiến sản xuất, nhập khẩu trên 2 triệu liều.
Các bệnh viêm da nổi cục, dịch tai xanh, bệnh dại, bệnh nhiệt than… cơ bản có phương án phòng chống hiệu quả. Việt Nam hiện có trên 4.000 vùng cơ sở chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Năm 2023, kế hoạch giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 4,5-5,0% so với năm 2022. Dự kiến ngành sẽ đạt và vượt mục tiêu. Sang năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4,5-5% so với năm 2023; tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng 5,0-5,5%; sản lượng thịt lợn hơi tăng 4,0%; sản lượng thịt gia cầm tăng 5,0%; sản lượng trứng tăng 4,0%; sản lượng sữa tăng 8% so với năm 2023.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho rằng, dù dịch bệnh cơ bản kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu trong những tháng cuối năm và trong năm 2024, thi thoảng vẫn xảy ra. Một trong những nguyên nhân chính là địa phương, người dân còn chủ quan lơ là trong tiêm phòng vaccine tập trung.
Trên thực tế triển khai, theo Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco Trần Xuân Hạnh, mặc dù vaccine dịch tả lợn châu Phi đã được chính thức cho phép sử dụng trên diện rộng, nhưng trong quá trình tiêm phòng vẫn gặp khó khăn bởi đây là vaccine mới nên người dân chưa hiểu hết. Bên cạnh đó, người chăn nuôi vẫn còn suy nghĩ khi có bệnh mới tiêm nên không quan tâm đến tiêm phòng chủ động. Ngay cả nhiều lãnh đạo địa phương còn e dè khi tiếp cận những cái mới.
Xây dựng cơ chế tiêm phòng vaccine bắt buộc
Ông Trần Xuân Hạnh cho rằng, trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thì tiêm phòng vaccine kết hợp với chăn nuôi an toàn sinh học là rất quan trọng. Chính vì vậy, các ngành chức năng, địa phương cần thông tin để người chăn nuôi hiểu đúng về vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế tiêm phòng vaccine bắt buộc từ Trung ương đến địa phương, cùng chính sách hỗ trợ giai đoạn đầu để người dân hiểu và quen về vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Theo Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn Đinh Thị Thu, hiện công tác tiêm vaccine phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm đợt tập trung còn kéo dài, tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt theo quy định. Để khắc phục tình trạng trên, Sở sẽ tăng cường tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm. Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác thú y cơ sở để phục vụ tốt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, kiến nghị các công ty phối hợp với địa phương để giám sát, chọn đối tượng cụ thể cho tiêm phòng vaccine có hiệu quả tốt hơn.
Còn theo ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lào Cai, thời gian qua tỉnh đã hết sức quan tâm, chỉ đạo và có cơ chế chính sách tốt trong công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Do đó, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát soát tốt, chưa ghi nhận trường hợp bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm...
Với tâm lý không lơ là, chủ quan, Lào Cai sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm để đảm bảo tỷ lệ trên 70% tổng đàn theo yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để đánh giá mức độ bảo hộ của vaccine, chất lượng tiêm phòng vaccine.
Cục Thú y đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đặc biệt là khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như: dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại…
Ngoài ra, Cục sẽ tiếp tục đôn đốc, giám sát tổ chức triển khai thực hiện 6 chương trình, kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh động vật. Tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, tổ chức giám sát tiêm phòng dịch bệnh; xây dựng bản đồ dịch. Tăng cường công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vậy, báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến qua hệ thống VAHIS. Tập trung đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh, đặc biệt là theo tiêu chuẩn OIE/WOAH để phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục triển khai Dự án, hoạt động hỗ trợ quốc tế về chủ động giám sát, cảnh báo phòng chống dịch bệnh…