Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân mắc đái tháo đường (ĐTĐ) dẫn đến các biến chứng tim mạch, huyết áp, thận nhập viện điều trị ngày một gia tăng, trong đó có không ít bệnh nhân bị biến chứng suy thận phải lọc máu suốt đời. Chẳng hạn như trường hợp của bệnh nhân T.T.L.H. (ở phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột), khoảng 20 năm trước bà thường có biểu hiện mệt mỏi, đi tiểu nhiều và rất khát nước, khi đi khám bệnh thì phát hiện mắc ĐTĐ.
Sau đó 10 năm, mắt bà bắt đầu mờ dần, mỗi tháng đều phải đi điều trị định kỳ 1 lần. Hai năm trở lại đây, bà H. bị biến chứng sang thận, suốt 6 tháng qua thường xuyên phải vào bệnh viện chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. Bà H. chia sẻ: “Bệnh tật khiến cơ thể tôi lúc nào cũng mệt mỏi, nôn ói, không ăn uống và cũng không làm được gì, ngay cả việc chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân tôi cũng không có sức lực để làm, phải nhờ hết vào con cháu”.
Chăm sóc chồng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì các biến chứng do đái tháo đường tuýp 2 gây ra, bà Lục Thị Thọ (trú tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Cách đây 13 năm, chồng bà có biểu hiện thường xuyên khát nước, ăn nhiều nhưng sút cân nhanh nên bà đưa ông đi khám tại cơ sở y tế. Kết quả phát hiện chồng bà mắc đái tháo đường tuýp 2.
Sau khi mắc bệnh, ông vừa uống cả thuốc tây và thuốc nam, còn đặt mua rất nhiều loại thuốc được quảng bá trên trang mạng xã hội như các loại cao, các loại lá… tốn rất nhiều tiền nhưng bệnh không thuyên giảm. Cách đây 2 tuần, ông bị sưng phù hết cả người, ngón chân bị bong tróc sau đó lan rộng và hoại tử. Bệnh khiến sức khỏe ông ngày một suy yếu, hoại tử cả chân khiến bà hết sức lo lắng.
Theo bác sĩ CKI Y Sa Muel Bkrông – Khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, mặc dù đái tháo đường chưa thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu bệnh nhân biết cách tự chăm sóc sức khỏe cùng với điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Trong quá trình điều trị, người bệnh đái tháo đường không được tự ý dừng thuốc, không sử dụng thuốc theo đơn của bệnh nhân khác hoặc tự ý dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ, mua thuốc không rõ nguồn gốc để uống thay thế thuốc kiểm soát đường máu.
Việc sử dụng thuốc tùy tiện có thể dẫn đến hậu quả tăng hoặc hạ đường huyết quá mức cho người bệnh hoặc gây tổn thương chức năng gan, thận, thậm chí suy thận do uống thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên, hằng ngày để xem cơ thể có đang kiểm soát tốt lượng đường trong máu hay không bởi chỉ có kiểm soát tốt lượng đường trong máu mới phòng được các biến chứng nguy hiểm.
Đối với bệnh nhân mắc đái tháo đường, chế độ ăn uống cần cân bằng các nhóm chất như tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin, khoáng chất, hạn chế các thực phẩm chứa quá nhiều đường. Nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày, vận động hợp lý giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, lưu thông khí huyết, cải thiện giấc ngủ và tâm trạng, đồng thời cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh như không thức khuya, ăn đúng giờ giấc, không hút thuốc lá, không dùng các chất kích thích (rượu, bia...).
Gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm với các biểu hiện âm thầm, vì thế, để phòng bệnh đái tháo đường, mỗi người dân cần kiểm soát tốt sức khỏe của mình; đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh: ăn giảm muối, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nước có ga, chất kích thích bia, rượu; dành thời gian nghỉ ngơi tránh căng thẳng. Bên cạnh đó, người dân cũng nên xét nghiệm đường huyết tối thiểu 12 tháng 1 lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.