Làm rõ những vướng mắc, bất cập
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết: Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ Năm ngày 18.1.2024. Với 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều, đây là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.
Do đó, để nâng cao hiệu quả thi hành và tạo sự đồng thuận trong xã hội về triển khai thực hiện Luất Đất đai trong thời gian tới đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phải đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân thống nhất cao trong nhận thức, hiểu đầy đủ và đúng về Luật Đất đai (sửa đổi), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đây cũng là yêu cầu mà Nghị quyết số 18-NQ/TW nêu ra.
Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, mục đích của Hội thảo nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; góp phần nâng cao nhận thức các tầng lớp Nhân dân cũng như góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Luật Đất đai 2024; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình phối hợp số 03, ngày 5.10.2018 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Luật gia Việt Nam về phối hợp công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Theo đó, Hội thảo tập trung nghiên cứu, làm rõ chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất công trong Luật Đất đai 2024 và các văn bản pháp luật liên quan; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công; làm rõ những vướng mắc, bất cập và đề xuất các giải pháp tháo gỡ góp phần giúp các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ cơ sở để tham khảo, thực thi chính sách, pháp luật.
Rà soát hiện trạng sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn nêu rõ, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về đất đai đã khẳng định rõ: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước còn là chủ thể sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị sử dụng phục vụ cho các mục đích công cộng hoặc lợi ích chung của xã hội.
Qua các báo cáo, các nghiên cứu liên quan cho thấy, công tác quản lý, sử dụng đất thời gian qua nói chung, trong đó có đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói riêng có thể khẳng định công tác quản lý, sử dụng đất từng bước được quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai. Công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã được các địa phương triển khai thực hiện cơ bản theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, cơ bản bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về đất đai. Nhiều địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều quỹ đất đã giao, cho doanh nghiệp thuê nhưng không thực hiện gây lãng phí hoặc vi phạm trong sử dụng đất đai.
Tuy vậy, thực tiễn cũng cho thấy, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất một số nơi chưa nghiêm. Hiệu quả khai thác, sử dụng đất một số chỗ chưa cao, còn nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế, đã ảnh hưởng rất lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn vừa qua, tạo nên những điểm nghẽn, gây lãng phí, thất thoát rất lớn các nguồn lực của quốc gia và toàn xã hội. Các lãng phí, thất thoát này, không chỉ nguồn lực về tài chính, tài sản, thời gian, mà còn mất đi nhiều cơ hội và nguồn lực tổng hợp khác để xây dựng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ, vi phạm quy định Luật Đất đai có nơi chưa được quan tâm, chú trọng theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư và nhiều văn bản pháp luật liên quan...
Nguyên nhân của thực trạng trên bao gồm cả nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan: cơ quan có thẩm quyền quản lý có chỗ còn chưa làm hết trách nhiệm, có sự buông lỏng trong quản lý, thực hiện không đúng các quy định pháp luật khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không thông qua đấu thầu, đấu giá); việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm...
Do đó, Luật Đất đai 2024 là đạo luật quan trọng, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, với nhiều sửa đổi, bổ sung mới trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói riêng chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất khu vực này. Bên cạnh đó việc triển khai thực thi Luật Đất đai 2024 hiệu quả sẽ góp phần kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, bảo đảm khai thác tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên và nguồn lực nhà nước.
Tham luận tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Bình cho biết, Luật Đất đai năm 2024 hoàn thiện các quy định về chính sách tài chính về đất đai; bổ sung quy định về trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của luật thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất. Luật mới cũng định rõ ràng hơn về việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai, Luật này phải rà soát hiện trạng sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất. Nội dung phương án sử dụng đất phải xác định rõ diện tích, ranh giới sử dụng, diện tích từng loại đất được giữ lại sử dụng, thời hạn sử dụng đất, diện tích đất bàn giao cho địa phương...
Trên cơ sở những ý kiến thảo luận và tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu tham dự tại Hội thảo, Hội Luật gia Việt Nam cho biết sẽ tổng hợp và kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan, ban ngành Trung ương để sớm có những giải pháp cấp bách và lâu dài để hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai, chống lãng phí, thất thoát và vi phạm trong sử dụng đất công.