Bảo đảm các chế độ chính sách
Với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội hiện đại, công đoàn không chỉ là nơi đại diện quyền lợi người lao động mà còn là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, góp phần tạo nên sự hài hòa trong mối quan hệ lao động. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của công đoàn là tham gia xây dựng và bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động. Các chế độ, chính sách này bao gồm lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, chế độ nghỉ phép, chế độ lao động an toàn và vệ sinh, và các phúc lợi khác.
Được thành lập từ năm 2019, Công ty TNHH Cap Global (khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất cần gạt nước ô tô. Hiện nay, doanh nghiệp giải quyết việc làm cho hơn 600 công nhân lao động với mức lương bình quân đạt 8 - 8,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, lao động là người dân trên địa bàn tỉnh chiếm trên 90%. Bên cạnh thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Kiều Việt Bắc cho biết, ngay từ khi quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp, Ban lãnh đạo công ty đã quan tâm xây dựng thiết chế công đoàn cho công nhân lao động. Do đó, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp luôn hoạt động hiệu quả với nhiều nội dung thiết thực hướng về người lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Nắm bắt nhu cầu cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của người lao động, thời gian qua, công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo nhằm tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội giao lưu, học hỏi và rèn luyện sức khỏe, tiêu biểu là mô hình “góc văn hóa công nhân” đã tạo ra “sân chơi” tinh thần cho người lao động. Theo Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Ngô Thế Anh, ban đầu, mô hình được triển khai thí điểm tại 2 doanh nghiệp, sau khi thấy hiệu quả thiết thực, công đoàn đã tiếp tục nhân rộng tới 6 đơn vị. Từ đó, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, thu hút đoàn viên tham gia vào tổ chức công đoàn.
Nâng cao chất lượng ký kết, thỏa ước lao động tập thể
Được sự quan tâm của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và đồng ý của Thường trực LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa đã triển khai lấy ý kiến người lao động và công đoàn cơ sở, xây dựng khung dự thảo thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với nhóm doanh nghiệp; thương lượng, đàm phán, cùng các doanh nghiệp thống nhất, tiến hành ký kết nội dung bản TƯLĐTT giữa Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa với nhóm 7 doanh nghiệp sản xuất giày. Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa Ngô Thế Anh chia sẻ, TƯLĐTT có chung nội dung, cùng chế độ cho một nhóm doanh nghiệp sẽ khắc phục được nhược điểm của TƯLĐTT doanh nghiệp, đem lại lợi ích nhiều hơn cho người lao động.
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, TƯLĐTT chính là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên (người sử dụng lao động và người lao động) trong quan hệ lao động. Chính vì vậy, việc thương lượng, đàm phán và kí kết TƯLĐTT luôn là nỗi trăn trở của mỗi cán bộ công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ những điều khoản có lợi hơn cho người lao động.
Với kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền lợi gần 5.000 người lao động công ty, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ToTo Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội) Phạm Thị Bích Hải chia sẻ, bí quyết để có những cuộc thương lượng thành công chính là sự chuẩn bị chu đáo và tìm hiểu những nội dung dự định thương lượng, những căn cứ thuyết phục Ban lãnh đạo công ty. Từ tất cả thông tin đó đưa thành một bản đề xuất hoàn chỉnh, và cần cân nhắc thời điểm nào nên đưa ra nội dung thương lượng đó. “Tôi xem mỗi cuộc thương lượng là cơ hội để công đoàn và doanh nghiệp chia sẻ, thấu hiểu nhau hơn, giúp cuộc thương lượng thành công. Đây sẽ là tiền đề tốt để xây dựng các bản TƯLĐTT chất lượng”, nữ Chủ tịch Công đoàn nói.
Từ dữ liệu về các cuộc ngừng việc xảy ra vài năm trở lại đây cho thấy, nguyên nhân chính xuất phát từ vấn đề lương, thưởng, chế độ phụ cấp... Đây là những quyền lợi “sát sườn” của công nhân lao động, và khi nguyện vọng không được giải quyết, điều tiết kịp thời sẽ dễ dẫn tới mâu thuẫn, ngừng việc tập thể. Vì vậy, nâng cao chất lượng TƯLĐTT chính là mục tiêu của mỗi cán bộ công đoàn nhằm mang lại nhiều quyền lợi nhất cho đoàn viên, góp phần giảm thiểu những mâu thuẫn trong quan hệ lao động.