Kế thừa, giữ nguyên đối tượng nộp, mức đóng
Quy định “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động” được giữ ổn định từ năm 1957 đến nay, là cơ sở pháp lý quan trọng, bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho, bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động. Đồng thời, tạo sự gắn kết lâu dài, bền chặt giữa người lao động với tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp; thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, kinh phí công đoàn được tính vào chi phí sản xuất, được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Theo kết quả nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kinh phí công đoàn chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 0,14 - 0,2% chi phí của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, trong đợt dịch Covid-19, ngoài hỗ trợ trực tiếp của doanh nghiệp, công đoàn cấp trên đã trích kinh phí hỗ trợ chăm lo đời sống cho đoàn viên, công nhân lao động tương đối lớn. Đồng thời, vận động, tuyên truyền công nhân, người lao động thi đua, nỗ lực vượt khó, tích cực lao động, gắn bó với doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm, đời sống.
Chính vì sự cần thiết của nguồn kinh phí này, tại các hội nghị TXCT chuyên đề giữa Đoàn ĐBQH tỉnh, thành với công nhân, người lao động trên cả nước góp ý vào Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động vừa qua, nhiều cử tri đã kiến nghị giữ nguyên kinh phí công đoàn 2%. Cụ thể, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) nên kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp, mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành.
Bổ sung chế tài xử lý vi phạm
Bên cạnh nội dung đóng kinh phí công đoàn, nhiều cử tri cũng phản ánh tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp mặc dù đã được các cấp công đoàn tuyên truyền, đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm, đóng kinh phí công đoàn không đúng theo tỷ lệ quy định, chậm và nợ đóng kinh phí công đoàn. Vì vậy, tình trạng thất thu kinh phí công đoàn còn lớn, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn. Đơn cử, tại Quảng Nam, tính đến tháng 6.2023, tổng nợ kinh phí công đoàn toàn tỉnh trên 100 tỷ đồng, rất khó khăn cho hoạt động công đoàn, nhất là trong chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Từ thực trạng đó, nhiều cử tri kiến nghị, cần nghiên cứu, bổ sung các quy phạm pháp luật về tài chính công đoàn trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) về phương thức đóng, nguồn đóng và chế tài xử lý vi phạm trong đóng kinh phí công đoàn. Cần bổ sung các hành vi chậm, trốn đóng kinh phí công đoàn vào Điều 10 về Những hành vi bị nghiêm cấm trong dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, quy định chế tài tương ứng đủ mạnh đối với các hành vi này cả về kinh tế và xã hội như: đóng đủ số tiền kinh phí công đoàn chậm, trốn đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền kinh phí công đoàn chậm, trốn đóng. Hay, xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng…