Cách tiếp cận thực dụng
Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Masoud Pezeshkian được tiến hành vào ngày 30.7 sau một buổi lễ long trọng được tổ chức hôm 28.7. Tại đó, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã trao cho ông quyết định công nhận ông là Tổng thống thứ 9 của đất nước. "Tôi xác nhận việc bỏ phiếu bầu ông Pezeshkian - một người thông thái, trung thực, được lòng dân và uyên bác, và tôi bổ nhiệm ông làm Tổng thống của Cộng hòa Hồi giáo Iran" - Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei tuyên bố. Sau khi được Lãnh tụ tối cao chính thức xác nhận, ông Pezeshkian đã bày tỏ cảm ơn ông Ali Khamenei và người dân Iran, cam kết sẽ nỗ lực để gánh vác trọng trách mới là Tổng thống Iran.
Ông Pezeshkian sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm từ ngày 30.7, thay thế cố Tổng thống Ebrahim Raisi, người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay trực thăng hồi tháng 5 vừa qua. Là một bác sĩ phẫu thuật tim 69 tuổi, có quan điểm ôn hòa, ông đã tranh cử với lời hứa sẽ cải thiện sinh kế của người dân và giảm căng thẳng xã hội. Cam kết này đã giúp ông giành chiến thắng trước ứng cử viên bảo thủ - Saeed Jalili, với 53,6% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử vòng hai ngày 5.7.
Một số người ủng hộ cho rằng, ông là hiện thân của chủ nghĩa cải cách mà cựu Tổng thống Hassan Rouhani đã thúc đẩy. Tuy nhiên, bản thân ông không ủng hộ ý tưởng cho rằng, ông đại diện cho “sự tiếp nối nhiệm kỳ tổng thống ôn hòa của Hassan Rouhani từ năm 2013 đến năm 2021”. Giống như Rouhani, Pezeshkian coi mối quan hệ tốt hơn với phương Tây và chấm dứt lệnh trừng phạt là mệnh lệnh chiến lược đối với Iran. Nhưng mục tiêu đó, các chính sách của ông có thể khác với Rouhani ở những khía cạnh quan trọng.
Chẳng hạn, ông Pezeshkian nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy luật kinh tế, điều này khiến ông gần với cựu Tổng thống Mohammad Khatami hơn là Rouhani, người có nhiều niềm tin hơn vào thị trường. Trong khi những người ủng hộ cốt lõi của Rouhani là những thành viên thế tục ủng hộ phương Tây thuộc tầng lớp trung lưu, ông Pezeshkian kêu gọi người dân cam kết trung thành với Cộng hòa Hồi giáo. Điểm này có thể giải thích tại sao ông là ứng cử viên cải cách duy nhất “vượt qua” vòng kiểm duyệt quan trọng của Hội đồng Giáo sĩ, những người trung thành với Đại giáo chủ chịu trách nhiệm xem xét tư cách ứng cử viên tổng thống. Bản thân ông cũng ngụ ý rằng 4 năm tới dưới nhiệm kỳ của ông “sẽ không phải là nhiệm kỳ nối dài của cựu Tổng thống Rouhani".
Những vấn đề của “một nền kinh tế bị trừng phạt”
Tổng thống mới sẽ tiếp quản một nền kinh tế đang phải đối mặt với một loạt vấn đề tích tụ trong nhiều năm do lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây và căng thẳng khu vực. Đầu tư vào Iran đã giảm xuống mức thấp lịch sử là 11% GDP; mạng lưới điện và khí đốt tự nhiên, vốn là niềm tự hào của quốc gia dầu mỏ, hiện xuống cấp nghiêm trọng dẫn đến tình trạng mất điện thường xuyên. Mới đây, một loạt văn phòng chính phủ và ngân hàng đã phải đóng cửa do nhiệt độ quá cao trong khi điện không đủ cung cấp. Trong khi đó, tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị do hạn hán triền miên, đã gây căng thẳng cho nguồn cung cấp nước và các dịch vụ khác.
Thực tế cho thấy, hầu hết các vấn đề kinh tế lớn của Iran đều bắt nguồn từ lệnh trừng phạt. Trong cuốn “How Sanctions Work” (các biện pháp trừng phạt hoạt động như thế nào) xuất bản tháng 2.2024, tác giả chỉ ra rằng, nền kinh tế Iran đã tăng trưởng mạnh mẽ cho đến năm 2011, khi Hoa Kỳ và các đồng minh thắt chặt lệnh trừng phạt để buộc nước này phải hạn chế tham vọng hạt nhân và ngồi vào bàn đàm phán. Những biện pháp đó đã hạn chế nghiêm trọng xuất khẩu dầu của Iran cũng như khả năng tiếp cận thị trường tài chính và ngân hàng toàn cầu của nước này, gây ra một loạt vấn đề khác. Ví dụ, lạm phát hàng năm, vốn đã dao động trong khoảng từ 20% - 40% trong nhiều thập kỷ, đã tăng vọt vào năm 2012 và một lần nữa vào năm 2018, sau khi Chính quyền Tổng thống Trump chấm dứt thỏa thuận hạt nhân. Đồng tiền Iran mất giá đẩy giá cả hàng hóa trong nước lên cao và làm thâm thủng ngân sách của chính phủ, buộc ngân hàng trung ương phản ứng bằng cách in tiền. Mặc dù in tiền chính là nguyên nhân khiến lạm phát trầm trọng hơn nhưng các nhà hoạch định chính sách Iran không có nhiều lựa chọn, vì các nguồn tài chính thông thường (như vay từ nước ngoài) không còn khả dụng.
Khi lên nắm quyền bắt đầu từ ngày 30.7, Tổng thống Pezeshkian sẽ phải đối mặt với hạn chế tương tự trong lựa chọn chính sách. Việc phát hành trái phiếu sẽ buộc chính phủ phải trả lãi suất vượt quá 30% mỗi năm, điều này sẽ chỉ dẫn đến thâm hụt lớn hơn. Tương tự như vậy, lựa chọn tăng thuế trong một nền kinh tế quen với trợ cấp sẽ khó khăn về mặt kinh tế và gây ra những căng thẳng về mặt xã hội. Trong khi đó, chống lạm phát bằng cách cắt giảm chi tiêu và tín dụng sẽ dẫn đến tình trạng nghèo đói và thất nghiệp cao hơn.
Một khả năng khác là tăng giá năng lượng. Iran hiện đang nhập khẩu xăng với giá khoảng 0,75 USD/lít và bán tại trạm xăng với giá 0,03 USD/lít. Việc tăng giá xăng bằng với mức giá chung của thế giới có thể giúp vá víu lỗ hổng ngân sách, nhưng biện pháp này cũng sẽ gây ra lạm phát và không khôn ngoan về mặt chính trị khi bắt đầu một chính quyền mới.
Cần cánh cửa mở ra thế giới
Lựa chọn duy nhất còn lại là tăng doanh thu bằng cách xuất khẩu nhiều dầu hơn. Nhưng “mở ra một cánh cửa với thế giới” chỉ có thể đạt được nếu Iran đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ giúp nới lỏng lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Điều đó không chỉ giúp giảm nhu cầu in tiền; mà còn làm giảm bớt các cú sốc ngoại hối trong tương lai.
Các biện pháp nhằm gỡ bỏ những rào cản mà Iran đang phải đối mặt trong tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu cũng không kém phần quan trọng. Một thập kỷ phá giá tiền tệ đã khiến lương của người lao động Iran giảm gấp ba lần theo đơn vị tiền tệ nước ngoài. Tuy nhiên, người lao động Iran không thể hưởng lợi từ nguồn cạnh tranh mới này vì các lệnh trừng phạt ngân hàng cản trở xuất khẩu của Iran sang hầu hết các thị trường nước ngoài.
Tất cả những điều này là lý do thuyết phục những người bảo thủ ở Iran rằng đàm phán một thỏa thuận mới với phương Tây là điều đáng để mạo hiểm. Hướng tới mục tiêu nới lỏng các lệnh trừng phạt, ông Pezeshkian đã tuyển dụng các cố vấn cũ của Tổng thống Rouhani trong đó nổi bật là ông Javad Zarif - nhà ngoại giao tài giỏi từng là nhà đàm phán chính đưa đến thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với các cường quốc gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức, Anh và Liên minh châu Âu. Ông Zarif đã tham gia nhiệt tình cho chiến dịch của Pezeshkian, mặc dù ông đã loại trừ khả năng phục vụ trong nội các của tổng thống mới.
Trong hành động chính thức đầu tiên của mình sau lễ nhậm chức hôm 28.7, ông Pezeshkian đã bổ nhiệm Mohammad Reza Aref, 72 tuổi, một người theo chủ nghĩa cải cách và là đồng minh thân cận của cựu tổng thống, làm phó tổng thống đầu tiên của mình. Dự kiến trong những ngày tới, ông sẽ thực hiện một loạt quyết đinh bổ nhiệm nội các quan trọng, bao gồm bộ trưởng ngoại giao mới, Abbas Araghchi.
Chiến thắng của ông Pezeshkian là một tín hiệu cho thấy giới lãnh đạo tối cao ở Iran cũng thực sự quan tâm đến việc giảm căng thẳng với phương Tây. Điều đó mang lại hy vọng về một khởi đầu mới, có thể bằng việc tái khởi động thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hoặc có thể bằng việc đàm phán một thỏa thuận mới.